Doanh nghiệp nhiều nước quan tâm tới các sản phẩm tiêu dùng Việt Nam

Thứ Hai, 30/11/2020, 06:19
Thời gian qua, nhiều cuộc xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến đã được tổ chức để giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đều dành ưu tiên, sự quan tâm cho nhiều mặt hàng như nông sản, thuỷ sản cho tới các sản phẩm tiêu dùng Việt Nam.


Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với kết cấu dân số trẻ, khả năng tiếp cận internet nhanh, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới đã tạo động lực lớn cho lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường trong nước cũng như thế giới và bắt kịp các xu hướng mới.

Ba nhóm ngành tiêu dùng thế mạnh của Việt Nam trên thị trường tiêu dùng quốc tế gồm nông sản - thực phẩm, dệt may và giày dép và cả ba nhóm ngành này đều được đề cập tại nhiều hội nghị trực tuyến với các nước và đều nhận được sự quan tâm của các đối tác.

Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết thêm, hiện nhiều DN Israel quan tâm mặt hàng cá tra phi-lê, lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng này vào Israel trong thời gian tới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp Israel đang quan tâm, giao dịch, ký kết một số đơn hàng nhập khẩu các mặt hàng như găng tay y tế, quần áo bảo hộ y tế... với các DN Việt Nam.

Trong khi đó, tại Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Chi Lê 2020 diễn ra trong hai ngày 26 và 27/11, ông Manuel Ubilla Espinoza, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Chi Lê cũng cho biết, nhiều DN Chi Lê cũng quan tâm đến mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng Việt Nam. Mới đây, quả bưởi của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Chi Lê.

Trước đó, quả thanh long cũng đã được phép nhập khẩu vào quốc gia này. Trong thời gian tới, khi CPTPP có hiệu lực với cả Chi Lê, DN hai nước sẽ có thêm rất nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh khai thác thị trường của nhau. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)  cho rằng, các DN hai bên cần tăng cường tận dụng những lợi ích của FTA Việt Nam – Chi Lê và CPTPP, để xích lại gần nhau hơn thông qua các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất khẩu trong đa dạng các lĩnh vực ngành hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng các loại.

Bên cạnh đó, sau hơn 2 tháng EVFTA đi vào thực thi, nhiều nước trong EU cũng quan tâm tới sản phẩm hàng hoá của Việt Nam. Trong đó, như tại Hà Lan rất quan tâm tới mặt hàng nông sản, hoa quả cho tới các sản phẩm thời trang. 

Thống kê cho thấy, Hà Lan đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm. Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. “Với việc triển khai EVFTA, thương mại Việt Nam - Hà Lan nói chung và sản phẩm thời trang nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia thương mại, hiện nay hàng hoá Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước đón nhận, tuy nhiên, để ký kết được các đơn hàng và xuất khẩu bền vững thì DN Việt cần phải nâng cao chất lượng, đảm ứng các tiêu chuẩn khắt khe để chinh phục nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Đồng thời cần có sự đánh giá và thay đổi cách thức tiếp cận thị trường.

Đơn cử như tại thị trường Trung Quốc hiện không còn là thị trường xuất khẩu “dễ tính” nhưng đây vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Với mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn. Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các DN cần chú trọng đến chất lượng, độ an toàn, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Lưu Hiệp
.
.
.