Doanh nghiệp nhà nước "chúa Chổm" bị cưỡng chế

Thứ Năm, 13/04/2006, 15:30

Sáng 11/4, thi hành án dân sự (THADS) TP Cần Thơ kết hợp với các cơ quan chức năng  tiến hành cưỡng chế đối với Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây - đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Nhà nước bị cưỡng chế vì nợ các tổ chức, cá nhân tại địa bàn Cần Thơ số tiền trên 4 tỉ đồng.

"Cách đây chưa lâu, tôi tình cờ đọc được nội dung thông báo bán đấu giá cổ phần của Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây trên một tờ báo mà không tin vào mắt mình. Tại sao chính tôi và nhiều tổ chức, người dân khác đang là "chủ nợ" của công ty này, chưa hề được trả một cắc bạc nào theo tinh thần bản án của TAND đã tuyên, mà bỗng dưng công ty này lại đi lo chuyện cổ phần hóa. Có phải đây là "chiêu" của công ty này, định quỵt nợ chúng tôi?".

Từ bức xúc này, ông Nguyễn Văn Chiến (58 tuổi), ngụ 15C, đường số 4, phường 11, quận 6, TP HCM lật đật chạy ra đón xe về Cần Thơ - nơi mà "con nợ" của mình "đóng đô" - 386 Cách Mạng Tháng 8, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Trước đó, ông Lê Nhựt Tân (ngụ số 14 Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng đã đến Văn phòng thường trú Báo CAND tại ĐBSCL trình bày mình cũng là nạn nhân tương tự.

Ngày 10/11/1989, Xí nghiệp Lâm sản miền Tây (đơn vị tiền thân của Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây, gọi tắt là bên A), ký hợp đồng hợp tác tiếp nhận lâm sản số 3 với ông Chiến (bên B). Theo đó, bên A khoán cho bên B thực hiện tiếp nhận 2.300m3 gỗ tại Lâm trường Muldulkhi (Campuchia) về tổng kho Z1 tại TP HCM. Quá trình thực hiện hợp đồng đã xảy ra tranh chấp. Vụ việc được chuyển đến TAND TP Cần Thơ (thuộc tỉnh Cần Thơ cũ) để giải quyết theo thẩm quyền. Từ năm 1995 đến tháng 9/2003, vụ tranh chấp giữa hai bên mới ngã ngũ. Ngày 25/9/2003, TAND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã tuyên buộc: Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây có nghĩa vụ trả nợ cho ông Chiến tổng cộng gần 254 triệu đồng.

Còn với ông Lê Nhựt Tân, năm 1986, Xí nghiệp Lâm sản miền Tây đã ký hợp đồng vận chuyển gỗ với ông. Quá trình thực hiện, cũng xảy ra tranh chấp tương tự như ông Chiến. Qua 6 lần xét xử, ngày 28/6/2001, TAND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã có Bản án 216/DSPT tuyên xử: Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây có trách nhiệm trả cho ông Tân số tiền 365,4 triệu đồng.

Sau những lần "chạy trốn" tư cách "con nợ" không thành, phía Công ty Lâm nghiệp miền Tây đành phải chấp nhận cho đoàn cưỡng chế vào làm việc. Qua kiểm tra sơ bộ, tài sản của công ty hiện nay không còn gì đáng giá ngoài dãy nhà xưởng cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Tài khoản của công ty thì dường như mở cho có. Cuối buổi làm việc, ngoài việc phong tỏa tài khoản, tài sản của công ty, THADS TP Cần Thơ cho biết sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc không cho công ty này cổ phần hóa vì chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Theo chúng tôi, để đảm bảo tiến trình cổ phần hóa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, Bộ NN&PTNT cần xem xét lại các quyết định về việc cho chủ trương chuyển DNNN Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây thành công ty cổ phần. Đơn vị chủ quản cũng cần khẩn trương chỉ đạo Công ty Nông lâm nghiệp miền Tây thể hiện trách nhiệm của mình đối với các "chủ nợ" trước khi tiến hành cổ phần hóa

Binh Huyền - Nam Thơ
.
.
.