Doanh nghiệp lo phá sản, ngân hàng lo nợ xấu

Chủ Nhật, 12/10/2008, 15:35
Thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới đã trở thành cột mốc đánh dấu sự hoà nhập đầy đủ hơn của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều cơ hội để hoà nhập và phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Lạm phát tăng cao, cũng giống như trong tự nhiên, khi cơn bão ập đến, những ngôi nhà nào yếu, ít được phòng bị thì bị tàn phá nhiều và nặng nề hơn. Các DNNVV cũng chính là những DN bị tác động nặng nề nhất và đang ở trong tình trạng khó khăn nhất.

20% DNNVV đứng trước nguy cơ phá sản

Theo thống kê của Hiệp hội DNNVV, mặc dù chiếm tới hơn 95% tổng số hơn 300 nghìn DN có đăng ký kinh doanh, đồng thời là khu vực kinh tế phát triển rất nhanh, năng động của nền kinh tế, nhưng trong thời kỳ lạm phát, khu vực này chịu tác động nặng nề nhất và đang ở trong tình trạng rất khó khăn: 20% trong tổng số các DNNVV bị phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản, 60% hiện đang ở trong tình trạng khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Lạm phát và khủng hoảng làm thay đổi mạnh và khó lường giá cả của các yếu tố đầu vào cho sản xuất khiến các dự định, kế hoạch của DN bị đảo lộn.

Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế làm cho lãi suất ngân hàng tăng lên rất cao, đồng thời khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV vốn đã rất hạn chế lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều DN rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: đã đầu tư rồi, dừng lại cũng không được mà đi tiếp cũng không xong. Đấy là chưa kể lạm phát làm cho giá cả các sản phẩm tiêu dùng tăng mạnh, đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp khó khăn, sức mua giảm, dẫn đến các DN khó tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, lạm phát và khủng hoảng kinh tế làm thay đổi mạnh và thất thường tỷ giá giữa VNĐ và các ngoại tệ như USD, eur, đồng yên… khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu bị lao đao, hàng loạt DNNVV cũng gặp khó khăn theo.

Nợ xấu ngân hàng tăng cao

Hiện nay, hoạt động ngân hàng (NH) đang đứng trước mâu thuẫn giữa việc vừa phục vụ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động NH trong điều kiện lạm phát. Lãi suất huy động cao nhưng xu thế năm nay ngược lại với những năm trước, khi cùng kỳ năm trước, nguồn vốn huy động tăng trên 23% thì 8 tháng năm 2008, nguồn vốn huy động chỉ tăng trên 10%.

Lãi suất cho vay tuy đã giảm dần, nhưng DN, nhất là DNNVV vẫn khó tiếp cận được vốn vay vì vốn NH chủ yếu tập trung vào các DN lớn, các DN truyền thống, nên những khách hàng mới, khó tiếp cận được vốn, vì độ rủi ro cao. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho rằng các DN kêu thiếu vốn, khó tiếp cận được vốn nhưng NH cũng là DN, vì vậy, phải có những tiêu chí cho vay, quan trọng là cho vay phải đảm bảo DN trả được nợ, chứ hiện nay không thể động viên các ngân hàng cho vay dưới chuẩn được.

Theo tính toán của các NH, với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay, chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của NH khoảng từ 0,1-0,15%, trong khi chi phí các loại chiếm khoảng 0,29%. Vấn đề này sẽ tác động mạnh vào tình hình tài chính của các ngân hàng vào cuối năm 2008. Đặc biệt, nợ xấu hiện đang là mối lo của các NH.

Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ nợ xấu cho vay DNNVV của toàn hệ thống NH hiện là 3,64% (10.886 tỷ đồng), trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 37,3% tổng nợ xấu. Theo dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm của ngành NH có xu hướng tăng nhanh do tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp khách hàng sa sút.

Mức lãi suất cho vay của các NH phổ biến ở mức khoảng 19%/năm, tăng gần gấp đôi so với đầu năm và lớn hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của đa phần các doanh nghiệp. Chênh lệch lãi suất cho vay - huy động của các NH đã suy giảm, với các lý do chủ yếu là lãi suất huy động đã được các NH đẩy lên rất cao, trung bình 17-18%/năm với các kỳ hạn ngắn, trong khi đó, lãi suất cho vay bị khống chế không được vượt quá 21%, tình trạng khách hàng chậm trả gốc và lãi khi đến hạn gia tăng, chi phí đầu vào cũng gia tăng do tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng cao. Điều này đe dọa nguồn lợi nhuận của các NH, trong khi thu từ tín dụng, vẫn là nguồn thu chính của đa số các NHTM.

Ngoài ra, lợi nhuận của NH suy giảm còn do việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Khi nợ xấu của nhiều NH tăng dẫn tới việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro cũng đòi hỏi phải tăng, dẫn đến mức lợi nhuận thực hiện giảm sút.

Hiệp hội NH cho rằng với mức nợ xấu đến cuối năm có khả năng tăng hơn năm 2007, nếu tình hình tài chính của các NH không khả quan thì NHNN cũng nên có dự báo sớm để có giải pháp giúp các NHTM có hành lang pháp lý, chủ động tìm giải pháp khắc phục. Vì vậy, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, như thế nào để đảm bảo kiểm soát được lạm phát, nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái và hệ thống NH không lâm vào tình trạng nợ đọng gia tăng, có đủ năng lực tài chính để hoạt động là một bài toán cần phải cân nhắc, không chỉ cho những tháng cuối năm 2008 mà còn cho cả những năm sau đó.

Tháo gỡ khó khăn cho DN sẽ gián tiếp hỗ trợ ngân hàng

Đó là khẳng định của ông đại diện NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Vị đại diện này cho rằng Chính phủ nên thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc nhóm cân đối lớn, giảm thuế xuất khẩu phù hợp đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tiết giảm thuế thu nhập DN từ 28% xuống 25% đối với một số DN trọng yếu tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế…

Còn việc giảm lãi suất cho vay, đề nghị NHNN cân nhắc giao cho một số NHTM lớn, có năng lực căn cứ điều kiện thị trường thực hiện tiếp tục việc tiết giảm lãi suất để chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, phần thu nhập giảm sút từ việc giảm lãi suất cho vay được khấu trừ vào thuế thu nhập DN phải nộp cuối năm.

Trong khi chờ đợi những chính sách của Chính phủ, NH và Hiệp hội DNNVV cũng đã ngồi với nhau để tìm biện pháp tháo gỡ. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bản thân các DN phải tự tìm cách cứu mình bằng cách tiết giảm chi phí, dự trữ nguyên liệu, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu ngành nghề hợp lý… Đây cũng là lúc các DN phải dựa vào nhau, liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Trong buổi trao đổi với các DN, TS kinh tế Nguyễn Quang A cũng cho rằng, bắt đầu từ tháng 10-2008 này, khi chính sách siết chặt tiền tệ đã được nới lỏng dần, ngân hàng đã chuyển động cho vay trở lại, hạ lãi suất, tính thanh khoản của ngân hàng cao hơn, rõ ràng có thuận lợi hơn trước. Đây là thời điểm thích hợp để các DN đầu tư trở lại. "Tuy nhiên, vì doanh nghiệp hiểu rõ mình nhất, nên chính DN mới là người biết mình cần phải lựa chọn làm gì và không nên làm gì", ông A khẳng định.

Còn ông Lý Đình Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho biết Hiệp hội này đang kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN như đề nghị Chính phủ dành một khoản vốn cho các DNNVV vay với lãi suất hợp lý; miễn, giãn, hoãn tiến độ nộp thuế cho DN; nhanh chóng hình thành Quỹ Phát triển DNNVV, để thúc đẩy sự ra đời của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, Quỹ Bảo hiểm cho các DNNVV và cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật cho các DN này

Lệ Thuý
.
.
.