Giá đường tăng cao:

Doanh nghiệp kêu thiếu, nhà quản lý nói thừa

Thứ Hai, 09/08/2010, 14:41
Đường lên giá bất ngờ và cao chót vót trong mấy tuần qua đã khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh kẹo hoang mang bởi mùa sản xuất bánh trung thu đã đến. Không chỉ lên giá cao, các doanh nghiệp cũng bị khó khăn vì thiếu đường nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ quan quản lý khẳng định, lượng đường còn tồn đủ để cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong những tháng tới.

Vậy, thực chất thị trường có thiếu đường hay đây chỉ là cách "làm giá" của một bộ phận tư thương?

Giá cao cũng khó mua

Khảo sát các tuyến phố chuyên kinh doanh bánh kẹo, phụ gia và nguyên liệu sản xuất mứt, kẹo ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, lượng đường được các cửa hàng bán ra tuy không rơi vào cảnh khan hiếm nhưng giá thì mỗi ngày một biến động. Thậm chí, trước đây, các cửa hàng bán lẻ có thể gọi điện thoại đến các đầu mối bán buôn tại chợ Bắc Qua, phố Hàng Buồm, Hàng Giày và đường sẽ được chuyển đến tận địa chỉ yêu cầu thì nay, nhiều khi gọi năm lần, bảy lượt cũng không thấy đường đâu.

Chị Oanh, chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Tuệ Tĩnh cho biết, chưa bao giờ đường lại lên giá và khó mua như bây giờ. "Giá nhập đã 18.000 - 19.000đ/kg, không biết bán thế nào nữa. Gọi mua đường, 3, 4 hôm sau vẫn chưa thấy đường về cửa hàng".

Đầu năm 2010, sau khi cân đối cung cầu tiêu dùng đường trong nước, liên Bộ Công Thương và NN&PTNT đã cho rằng, năm 2010 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 tấn đường. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu (NK) 200.000 tấn đường cho một số doanh nghiệp (DN) để kịp thời bổ sung, bình ổn thị trường đường trong nước. Trong đó, có đến 150.000 tấn cấp cho các DN sản xuất sữa, nước giải khát, chỉ có 50.000 tấn phục vụ thương mại.

Đến tháng 7, khi giá đường trong nước liên tục tăng, Bộ Công Thương lại quyết định nâng quota, cho nhập bổ sung 100.000 tấn nhằm hạ nhiệt giá đường trong nước. Trong đó, 50.000 tấn cấp cho các DN sản xuất sữa, nước giải khát, bánh kẹo, 25.000 tấn đường tinh luyện và 25.000 đường thương mại. Điều đáng bàn là quyết định cho nhập khẩu thêm 100.000 tấn đường đã có hiệu lực, nhưng giá đường trong nước vẫn không chịu xuống, mỗi ngày lại có xu hướng nhích dần lên.

Với các cơ sở sản xuất bánh trung thu chậm chân, chưa kịp làm hợp đồng với các đại lý cung cấp đường, chấp nhận giá cao cũng chưa chắc đã đủ lượng đường để đảm bảo sản xuất. Ngay chính các doanh nghiệp được phép nhập khẩu đường cũng khốn khổ vì giá đường biến động không ngừng.

Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Biên Hòa cho biết, doanh nghiệp này được cấp hạn ngạch nhập khẩu bổ sung 25.000 tấn đường. Nhưng, đến thời điểm này công ty chưa thể nhập khẩu được, do chưa tìm được nguồn hàng. "Hiện nay, nguồn hàng ở những nước lân cận đã hết, những nước ở xa, nếu nhập khẩu, cộng chi phí vận chuyển sẽ đội giá lên cao, do vậy, chúng tôi vẫn chưa dám nhập", bà Sum lý giải. Hiện, giá đường tinh luyện xuất tại kho của nhà máy này đã là 17.800 đồng/kg.

Không thiếu đường nhưng giá vẫn bị đẩy lên cao.

Xin cấp hạn ngạch nhập đường rồi… để đấy

Bà Phạm Thị Sum khẳng định, để xảy ra hiện tượng thiếu là do nhiều doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập đường từ đầu năm nhưng lại không nhập. "Đầu năm nay, sau khi cân đối cung cấp để cấp hạn ngạch cho nhập khẩu 200.000 tấn đường, lượng này hầu hết được cấp cho các DN chế biến. Nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu nhưng vẫn xin cấp hạn ngạch, sử dụng đường dành cho tiêu dùng trên thị trường vào sản xuất, nên mới gây ra tình trạng thiếu hụt đường trên thị trường tiêu dùng như hiện nay", bà Sum cho biết.

Dẫn chứng thêm, bà Sum chỉ ra rằng, vào tháng 4, tháng 5, giá đường thế giới xuống rất thấp, chỉ còn 400-500 USD/tấn, nhưng các doanh nghiệp lại không chịu nhập, hiện, giá đường đã lên đến gần 700 USD/tấn, chẳng đơn vị nào dám nhập đường vào thời điểm này.

Còn theo ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, đường cho tiêu dùng trong nước không hề thiếu. Ông Phái cho biết, lượng đường còn tồn trong kho vào khoảng 170.000 tấn, cùng với 60.000 tấn cấp hạn ngạch nhập khẩu cho các DN từ đầu năm vẫn chưa nhập, cộng thêm giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công thương tiếp tục cho nhập bổ sung 100.000 tấn. "Tổng cộng, lượng đường dành cho tiêu dùng là trên 300.000 tấn, có thể đủ tiêu dùng đến tháng 10", ông Phái khẳng định.

Theo ông Phái, trung bình những tháng tiêu dùng cao điểm, Việt Nam tiêu thụ hết khoảng 100.000 tấn đường. Để xảy ra hiện tượng xin cấp hạn ngạch nhưng lại không nhập đường, theo ông  Phái là do phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường chúng ta vẫn còn cơ chế xin cho. Trong khi các cơ quan quản lý đang tìm hiểu nguyên nhân, phân tích biến động của giá đường thì, trên thị trường, giá đường vẫn tiếp tục tăng cao, hệ quả kéo theo hàng loạt mặt hàng liên quan đồng loạt tăng giá và người tiêu dùng chính là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất

Ngọc Yến
.
.
.