Doanh nghiệp cẩn trọng trước “cuộc chơi” số hóa

Thứ Hai, 05/08/2019, 07:47
Cuộc cách mạng số đang tạo ra nhiều thay đổi trong môi trường kinh doanh với việc đẩy mạnh tương tác online với các kênh truyền thống (offline), cùng với hành vi tiêu dùng thời đại số đã và đang thay đổi từng ngày. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, họ đang được đặt vào một “bài kiểm tra” về năng lực và sự nhanh nhạy trong “cuộc chơi” mới – “cuộc chơi” số hoá. Nếu DN không nhanh nhạy thì nguy cơ sẽ bị... “chết”.


Tại hội thảo “Chiến lược kinh doanh thời đại số” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Linh Phan, chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số chia sẻ những trường hợp thành công và thất bại trong chiến lược kinh doanh thời đại số.

“Trước đây, LOréal - nhà cung cấp sản phẩm làm đẹp, chỉ bán sỉ cho các siêu thị lớn, đại lý. Nhưng khi tuyển người làm về trải nghiệm người tiêu dùng (NTD), họ thay đổi hoàn toàn. Kênh thương mại điện tử (TMĐT) hướng tới NTD được tạo ra. Khi vào trang website của trang TMĐT này, NTD có thể tự trang điểm cho phù hợp nhất khi quyết định mua sản phẩm. Điều muốn nói, DN đã chạm tới được NTD và họ cũng đã biết được NTD cần gì, muốn gì. Từ đó, họ có được chiến lược kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa quá trình sản xuất”.

Chuyên gia Linh Phan kể thêm một câu chuyện khác - chuỗi 400 cửa hàng sách Noble ở Mỹ. Năm 2000, khi Internet bùng phát, Noble không nghĩ đến việc sau này người dùng sẽ chuyển sang đọc sách điện tử. Những năm 2007-2010, Amazon, Apple, iPad ra đời, đó cũng là thời điểm người dùng chuyển sang đọc sách điện tử rất nhiều. Năm 2011, Noble sập toàn bộ chuỗi bán sách và sa thải hơn 10.000 nhân viên.

“Từ hai câu chuyện trên cho thấy, nếu DN không nắm bắt được thông tin, nhu cầu của khách hàng để thay đổi cho phù hợp, thì hệ quả sẽ rất khốc liệt”, ông Linh Phan khẳng định.

Tuy nhiên, chuyên gia Linh Phan cho rằng, khách hàng chỉ là một phần, ngoài ra, còn nhiều mối quan hệ khác nữa DN cần nuôi dưỡng trong thời đại chuyển đổi số. Ví như trước đây, sản phẩm ngon, bổ, rẻ thì sẽ được nhiều NTD chọn mua.

DN cố gắng đáp ứng nhu cầu của NTD và cố gắng làm sao để cắt giảm chi phí. Nhưng nay, xu hướng NTD thay đổi, trước khi mua sản phẩm, NTD không chỉ tìm hiểu chất lượng, tính năng của sản phẩm, mà họ còn đọc những trải nghiệm của NTD khác đánh giá về sản phẩm đó. “DN muốn chuyển đổi số thành công thì DN phải hiểu, chuyển đổi số cuối cùng là phục vụ ai và ai đã khiến DN buộc phải chuyển đổi số”, ông Linh Phan chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam cho rằng, Internet bùng phát mạnh mẽ, tỷ lệ sử dụng Internet của người Việt rất cao. “Vì vậy, vấn đề của DN là cần nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng của người Việt trong thời đại số để có định hướng phát triển phù hợp”, bà Nga nói.

Theo phân tích của bà Nga về xu hướng tiêu dùng của người Việt trong thời đại số, hiện tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam chiếm gần 2/3 dân số. Tại thành thị (TP Hồ Chí Minh và Hà Nội), tỷ lệ sử dụng Internet trong năm 2018 là 81%, đặc biệt tại nông thôn năm 2015 chỉ 15% nhưng đến năm 2018 tăng lên đến 45% (gấp 3 lần). Về mặt truyền thông, Internet đứng thứ 2 về thị phần, chỉ sau tivi.

Dự báo khoảng 2-3 năm nữa, Internet sẽ vượt qua tivi, chiếm thị phần cao nhất tại thành thị. Ở nông thôn, Internet chiếm 26%, tivi đóng vai trò chủ đạo, nhưng tương lai Internet sẽ ngang ngửa tivi. Thị phần hiện nay của tivi hiện chủ yếu dành cho người trên 50 tuổi, hành vi mua sắm cũng khác với giới trẻ. Họ có nhu cầu cao về các sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

Với người trẻ, mua sắm online nhiều, phụ nữ phần lớn tìm các sản phẩm làm đẹp, thời trang, dịch vụ vận chuyển đi lại; chăm sóc cá nhân, vệ sinh nhà cửa;... đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Năm 2018, ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng 147% về mặt giá trị, đây là tốc độ tăng “trong  mơ” của các nhà sản xuất. Vì vậy, DN cần hiểu rõ từng đối tượng khách hàng họ cần gì, muốn mua gì để hoạch định chiến lược bán hàng phù hợp.

Theo chia sẻ của chuyên gia này, nhu cầu mua sắm online phát triển mạnh là một cơ hội rất lớn của các DN. Tuy nhiên, cũng đã có không ít DN đã bị sụp đổ, mất niềm tin đối với NTD chỉ sau một đêm do những thông tin bất lợi lan truyền nhanh chóng. Chính vì vậy, DN cần phải xem việc quản trị thông tin Internet là rất quan trọng.

Thúy Hà
.
.
.