Doanh nghiệp biến mất, lỗi thuộc về ai?

Thứ Ba, 11/01/2005, 11:08
Dựa vào những điều kiện khá thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp xuất hiện và biến mất khá nhanh chóng. Chỉ riêng tại Hà Nội, số DN không có nơi đăng ký trụ sở đã lên tới 186, có 76 DN đóng mã số thuế chưa thông báo giải thể.

Cách đây khá lâu, nhiều sinh viên đã bị cuốn hút bởi quảng cáo tuyển nhân viên của Công ty TNHH TM trên một tờ báo: Chỉ đi phát quà khuyến mại trong dịp Tết, mỗi ngày được hưởng 70.000 đồng/người.

Hàng trăm sinh viên đổ xô đến trụ sở của Công ty này tìm việc làm. Công ty TM thu tiền mỗi bộ hồ sơ xin việc là 50.000 đồng. Sau mấy ngày phỏng vấn các ứng viên, danh sách người được tuyển không hề được thông báo công khai tại trụ sở của Công ty.

Khi các sinh viên vào hỏi thì mới được nhân viên Công ty tra danh sách: hầu hết những người đến tìm việc đều không trúng tuyển. Chỉ với 100 ứng viên, Công ty này đã thu về 5 triệu đồng mà không mất gì.

Tình trạng lừa tuyển nhân viên kiểu trên của một số công ty TNHH diễn ra rất phổ biến. Họ lách luật để lừa người khác mà không hề bị cơ quan chức năng nào "sờ gáy". Thấy nhu cầu xin việc quá nhiều và việc lừa đảo theo hình thức này quá dễ dàng lại không chịu sự rủi ro lớn nên một số người cũng hùa theo, lập công ty để làm ăn bất chính.

Một số công ty tư nhân sau thời gian làm ăn thua lỗ đã bí mật chuyển đi nơi khác do không có tiền nộp thuế, không có khả năng trả nợ… khiến những người có liên quan "méo mặt" tìm kiếm nhưng cũng đành bất lực.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa kết thúc đợt thanh tra các DN trên địa bàn Hà Nội và đã phát hiện nhiều DN “mất tích” dưới hình thức bỏ trốn hoặc chuyển địa điểm nhưng không thông báo với các cơ quan chức năng.

Khi đoàn thanh tra tới nhiều địa điểm theo đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đều không còn thấy các DN ở đó nữa. Ngay cả chính quyền địa phương và những người dân bên cạnh cũng không thể cung cấp thêm thông tin về tung tích của các DN này. Đây là tình trạng chung trên các địa bàn cả nước.

Doanh nghiệp thành lập ồ ạt - Quản lý khó khăn

Sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào năm 2000, những quy định về việc cấp phép đăng ký kinh doanh cho các DN đã thông thoáng. Quyền thành lập và quản lý DN của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước bảo hộ. ĐKKD được quy định với thủ tục, trình tự rất đơn giản.

Bên cạnh đó, DN, người quản lý DN chấp hành các quy định pháp luật lại dựa trên nguyên tắc cam kết, tự chịu trách nhiệm, các cơ quan Nhà nước không kiểm tra trước khi thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đó là một trong những nguyên nhân giúp số lượng DN tăng lên không ngừng. Tại Tp.HCM có trên 48.600 DN đã được cấp phép. 5 năm qua, số DN trên địa bàn Hà Nội được cấp phép ĐKKD tăng trung bình 37% mỗi năm. Hiện nay, Hà Nội có tổng số 28.000 DN, 80.000 hộ kinh doanh cá thể đã ĐKKD.

Theo ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì cứ 6 phút lại có một DN được cấp phép ĐKKD. Cũng theo ông Tuấn, cơ quan chức năng chỉ có thể thống kê số DN, hộ cá thể đã ĐKKD chứ không thống kê được chính xác số DN, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động cũng như tình hình hoạt động của từng DN.

Điều đó cũng có nghĩa, các cơ quan quản lý không biết tình trạng hoạt động của rất nhiều DN thuộc mình phụ trách.

Phòng cấp phép ĐKKD không phải quản lý đối tượng được cấp phép mà là do các đơn vị khác quản lý như: Sở Tài chính Vật giá, cơ quan thuế, thanh tra, UBND quận, huyện… Nhưng trên thực tế, chức năng và trách nhiệm này không được áp dụng đúng và hiệu quả.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố danh sách 262 DN vi phạm chế độ báo cáo lên website để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý, cần phải thắt chặt hơn quy định cấp phép ĐKKD, chống tình trạng thành lập công ty ồ ạt như hiện nay mà hiệu quả kinh tế lại chưa cao

Việt Hà
.
.
.