Doanh nghiệp bị phạt vì thiếu hiểu biết về luật

Thứ Ba, 17/08/2010, 16:06
Mới đây, 19 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cấu kết với nhau để thống nhất phí đối với khách hàng mua bảo hiểm xe ôtô, đã bị Cục Cạnh tranh, Bộ Công thương phát hiện. Tuy thực tế việc ký kết mới chỉ diễn ra và chưa DN nào thực hiện, chưa gây thiệt hại đến khách hàng, cũng như những DNBH khác, nhưng các DN này vẫn bị phạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Bị phạt vì cấu kết làm giá

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 15/9/2008, tại hội nghị các tổng giám đốc bảo hiểm (BH) phi nhân thọ lần thứ 6, 19 doanh nghiệp BH đã tham gia ký các bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực BH hàng hóa, BH tàu biển, BH xe cơ giới và điều khoản biểu phí BH vật chất xe ôtô… và đi đến một thỏa thuận nhằm thống nhất mức thu phí đối với khách hàng mua BH xe ôtô.

Điều đáng nói là 19 DN tham gia ký kết này chiếm tới 99,79% thị trường dịch vụ BH vật chất ôtô trên toàn quốc. Vì thế, việc liên kết của các DN này đã lập ra một mặt bằng chung phí BH xe cơ giới, làm hạn chế quyền lựa chọn của người mua BH. Việc này cũng gây triệt tiêu cạnh tranh đối với các DN không tham gia ký kết, cũng như ngay cả chính 19 DN nói trên.

Sau khi phát hiện, điều tra, Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã mở phiên điều trần và kết luận: "Hành vi thỏa thuận nêu trên của 19 DNBH là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 9 của Luật Cạnh tranh về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, do thị phần kết hợp của 19 DNBH tham gia thỏa thuận vượt quá ngưỡng 30% trên thị trường dịch vụ BH vật chất xe ôtô tại Việt Nam".

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần được coi là hành vi nguy hiểm nhất cho môi trường cạnh tranh và phải bị xử lý nghiêm khắc. Trên cơ sở kết luận điều tra nói trên, 19 DNBH đã bị tuyên phạt với mức phạt tương đương 0,025% tổng doanh thu của năm tài chính 2007. Tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 DN này phải chịu phí xử lý vụ việc cạnh tranh là 100 triệu đồng.

Khách hàng thanh toán phí BH tại một công ty bảo hiểm nhân thọ (Ảnh minh họa).

Vi phạm vì thiếu hiểu biết?

Tại phiên điều trần, các DN cho rằng nhận thức từ phía các DN, việc ký kết trên là cần thiết do bối cảnh thị trường BH xe cơ giới: giá phụ tùng và công sửa chữa ngày một tăng cao. Nhiều năm liền tỷ lệ bồi thường từ 48% - 57% doanh thu phí BH xe cơ giới. Nếu tính doanh thu được hưởng (50% thuộc doanh thu trả trước cho các hợp đồng BH kéo dài của năm sau) thì tỷ lệ bồi thường là 96% - 114% phí BH được hưởng. Khi ký kết, các DNBH cho rằng mình thực hiện theo đúng Luật Kinh doanh BH, Quy định tại khoản 4d Điều 20 Nghị định 45/2007/TT-BTC: "Bộ Tài chính khuyến khích các DN thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để thống nhất quy tắc, điều khoản BH mẫu".

Tuy nhiên, các DNBH cũng thừa nhận do Luật Cạnh tranh mới ban hành, nên các DN còn lúng túng, chưa thông hiểu rõ, hơn nữa, khi có sự bất tương thích giữa Luật Cạnh tranh (cấm thỏa thuận ấn định giá - phí bảo hiểm) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (cho phép như đã nêu trên) thì áp dụng luật chuyên ngành. Nếu hiểu biết rõ Luật Cạnh tranh, chắc chắn các DNBH đã làm thủ tục miễn trừ theo Luật Cạnh tranh về nội dung thỏa thuận. Các DNBH khẳng định đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc khi công chúng và cả những lãnh đạo DN lại chưa hiểu biết thấu đáo luật, nên đã vi phạm.

Nhận xét về vụ việc này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, thực tế chưa có một DNBH nào thực hiện thỏa thuận trên. Nếu 1 DNBH tham gia ký kết đi đầu trong việc thực hiện thỏa thuận thì đồng nghĩa với tăng phí BH sẽ làm mất khách hàng, giảm doanh thu một cách đáng kể vì khách hàng sẽ mua BH của các DN khác có phí BH thấp hơn.

Ông Lộc viện dẫn ví dụ ngay cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 có ngập lụt lớn tại Hà Nội làm phát sinh nhu cầu BH. Nếu 19 DNBH ký kết chiếm 99,79% thị phần thực hiện thỏa thuận sẽ làm cho thị trường BH vật chất xe ôtô khan hiếm BH phí thấp hơn thỏa thuận, chắc chắn dư luận xã hội không tha thứ cho việc này. Và do DNBH trên vẫn bán BH theo phí cũ, vì vậy không có khách hàng khiếu kiện DNBH lên cơ quan quản lý cạnh tranh.

"Qua sự việc trên, các DNBH đã rút ra được một bài học đắt giá: Dù không thực hiện nhưng hành vi ký kết thỏa thuận là vi phạm Luật Cạnh tranh và đã bị xử lý nghiêm khắc. Đồng thời các DNBH mới thấy được hạ phí BH để giành giật khách hàng, tăng doanh thu dẫn đến thua lỗ về nghiệp vụ BH nhưng tìm cách tăng phí trở lại, đảm bảo khả năng thanh toán bồi thường là cả một vấn đề khó khăn, cản trở. Đồng thời qua sự việc cho thấy cơ quan quản lý cạnh tranh cần phổ biến tuyên truyền Luật Cạnh tranh nhiều hơn nữa vì hầu hết các DN Việt Nam mới thành lập, mới hoạt động chưa có bộ phận pháp chế độc lập nên dễ vi phạm. Cơ quan quản lý cạnh tranh cần ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, công khai minh bạch khung hình phạt, doanh thu lợi nhuận bị xử phạt, cách đánh giá doanh thu, thị phần trong từng ngành mang tính đặc thù", ông Lộc khẳng định

Lệ Thuý
.
.
.