Doanh nghiệp FDI chuyển giá trốn thuế: Thất thu ngân sách, méo mó môi trường kinh doanh

Thứ Ba, 29/10/2013, 10:55
Hàng trăm doanh nghiệp (DN) liên tục báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh với quy mô lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Trong khi các DN báo lỗ trốn được hàng nghìn tỷ đồng thuế thu nhập DN, thì ngân sách ngày càng khó khăn vì hụt thu, các DN làm ăn chân chính bị đối mặt với môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

“Thủng túi” ngân sách vì doanh nghiệp chuyển giá

Chưa bao giờ nghi án các DN chuyển giá lại rầm rộ như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế khó khăn, vấn đề thu-chi ngân sách đang làm đau đầu cơ quan chức năng. Điều đáng nói là dù liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng một số DN, trong đó chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Trước sự vô lý khó chấp nhận của các DN này, từ năm 2012, ngành Thuế đã ráo riết hoạt động chống chuyển giá. Hàng trăm DN được đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế, với những cái tên đình đám như Coca-Cola, Adidas, Keangnam Vina… Lý do cơ quan thuế nghi ngờ là việc các DN này liên tục báo lỗ trong nhiều năm. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là có cả những DN có lãi, thậm chí lãi và đóng thuế cao cũng bị nghi ngờ chuyển giá.

Một trong những trường hợp điển hình về chuyển giá là Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina. Sau 5 năm vào Việt Nam và liên tục báo lỗ, đại gia bất động sản Hàn Quốc, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam – Keangnam Vina, đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Toàn bộ số lỗ mà công ty này khai báo phát sinh từ năm 2007 đến 2011 đã được điều chỉnh giảm hết, số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu lên tới 95,2 tỷ đồng.

Sản xuất ôtô tại Khu kinh tế Chu Lai.

Những tưởng đây là vụ chuyển giá đình đám nhất, nhưng kỷ lục này đã sớm bị phá vỡ bởi Công ty Hualon Corporation, 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai), chuyên về sản xuất sợi và dệt vải. Vào Việt Nam từ năm 1993, liên tục gần 20 năm, Hualon đều báo lỗ.

Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây lỗ được công ty này kê khai tới cơ quan thuế chủ yếu ở việc phải đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí. Phi vụ gần đây là khi Hualon kê khai đã nhập khẩu 1 bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho 1 công ty khác, nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD, với lý do không có nhu cầu sử dụng nên công ty thanh lý tài sản. Điều đáng nói là dù “không có nhu cầu sử dụng” nhưng Hualon vẫn kê khai bỏ tiền mua giá đắt, đưa vào tài sản cố định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tính khấu hao như bình thường. Nhờ phi vụ nâng khống đầu vào như vậy, Hualon đã qua mặt ngành Thuế để báo số lỗ lũy kế "ảo" lên tới 956,2 tỷ đồng…

Nhiều hệ lụy từ chuyển giá trốn thuế

Tại hội nghị sơ kết 5 năm phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Tổng cục Thuế đã kết thúc công tác rà soát 3.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đưa vào danh sách kiểm tra 300 DN để thanh tra chống chuyển giá. Trong 300 DN được thanh tra, đã phát hiện 225 DN có hoạt động chuyển giá, như vậy tỷ lệ là rất cao.

Keangnam đình đám với phi vụ chuyển giá nghìn tỷ.

Còn theo một số liệu khác trước đó từ Tổng cục Thuế, đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 DN FDI thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012 cho thấy, nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ, hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế. Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các DN này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng.

Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các DN sau thanh tra, kiểm tra đã tăng lên là 2.599 tỷ đồng, tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng. Đứng đầu cả nước về số thuế truy thu FDI chuyển giá là Hà Nội với 98 tỷ đồng, T Hồ Chí Minh với hơn 15 tỷ đồng, Thái Bình hơn 7 tỷ đồng, Quảng Ninh, Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng, Hải Phòng 1,3 tỷ đồng…

Mới đây, Thanh tra Chính phủ cho biết, sau đợt thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách Nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, thì việc sản xuất kinh doanh của DN chế xuất không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó “có nguyên nhân từ việc chuyển giá trong giao dịch liên kết”. Tình trạng này đã không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn tạo nên sự mất công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác.

Bình luận về tình trạng chuyển giá trốn thuế, người phát ngôn của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, việc chuyển giá là một vấn đề rất phức tạp đối với cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý cụ thể. Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư, trong đó có quy định các giao dịch liên kết phải báo cáo Bộ Tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan thuế phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, tăng cường trao đổi thông tin, giữa cơ quan thuế trong nước và nước ngoài, để minh bạch hóa thông tin nhằm chống chuyển giá hiệu quả

Nhóm PV
.
.
.