Điều hành giá xăng dầu đảm bảo ưu tiên kiềm chế lạm pháp

Thứ Bảy, 13/07/2013, 16:40
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm không gây đột biến lên mặt bằng giá. 3 công cụ để điều hành giá xăng vẫn là giảm thuế, tăng giá, tăng mức sử dụng quỹ bình ổn. Nếu giá thế giới biến động, giá cơ sở biến động thì chỉ việc đưa 1 trong 3 công cụ này ra điều hành. Cục sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ như thuế và quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu theo sát với diễn biến giá xăng dầu của thị trường quốc tế và đảm bảo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, giá bán lẻ mặt hàng xăng và dầu diesel hiện đang thấp hơn giá cơ sở (tính theo giá thế giới bình quân 30 ngày) 600 đồng/lít.

Cụ thể, giá cơ sở bình quân 30 ngày, từ 7/6 đến 7/7 của mặt hàng xăng RON92 là 115,39 đô la Mỹ/thùng, dầu DO 0,05S là 120,35 đôla Mỹ/thùng. Trong khi đó, kể từ ngày 28/6 (thời điểm Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng trong nước tăng tối đa 367 đồng/l) tới ngày 11/7, giá dầu thô trên trường quốc tế liên tục tăng mạnh, đạt mốc 106 USD/thùng.

Tại thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam là Singapore giá xăng thành phẩm cũng tăng mạnh lên 117 USD/thùng. Tuy nhiên, do hiện nay doanh nghiệp đang được xả quỹ bình ổn, 300 đồng/lít cho xăng và 200 đồng/lít cho dầu diesel nên doanh nghiệp lỗ 300 đồng/lít xăng và 400 đồng/lít dầu. Hiện nay, 70% lượng xăng dầu được nhập khẩu, 30% còn lại được cung ứng từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trong bản nhận định về thị trường mới đây, Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho rằng giá xăng có thể tăng trong thời gian tới do quỹ bình ổn giá đang ở mức thấp vì lỗ của các đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, số dư quỹ xăng dầu đã giảm xuống còn 55 tỷ đồng, từ 756 tỷ đồng vào ngày 30/6 và đây là mức rất thấp.

Giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá cả. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Trong khi đó, tổng lượng tiêu thụ xăng trên thị trường Việt Nam hiện nay vào khoảng 1 tỷ lít/tháng. “Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ có thể trợ giá tối đa 55 đồng/lít để giảm lỗ cho các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tháng tới. Và tiền từ quỹ bình ổn rõ ràng là không thể đủ để bù lỗ cho các đơn vị đầu mối. Giá bán buôn platt bình quân động 30 ngày tại Singapore gần đây cao hơn 1,14-1,95% so với giá trong nước.

Theo giá này, doanh nghiệp đầu mối trong nước lỗ từ 439-480 đồng/lít đối với xăng A92 và 366-395 đồng/lít đối với dầu DO. Trong khi đó giá bán buôn platt bình quân động 10 ngày cao hơn 1,46-2,39% so với giá trong nước, khiến các DN đầu mối lỗ 419-446 đồng/lít xăng A92 và 523-549 đồng/lít đối với dầu DO. Và như thế, có thể dự đoán điều gì sẽ diễn ra. Theo chúng tôi, khả năng sẽ có 1 đợt tăng giá xăng thứ 3 nữa trong thời gian tới là rất cao mặc dù thời điểm tăng cụ thể vẫn còn chưa biết”, bản tin của HSC dẫn số liệu từ Bộ KHĐT dự đoán.

Về phía cơ quan quản lý, trả lời về phương án điều hành giá trong thời gian tới, đại diện Cục Quản lý giá cũng cho biết, sẽ  phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm không gây đột biến lên mặt bằng giá. 3 công cụ để điều hành giá xăng vẫn là giảm thuế, tăng giá, tăng mức sử dụng quỹ bình ổn. Nếu giá thế giới biến động, giá cơ sở biến động thì chỉ việc đưa 1 trong 3 công cụ này ra điều hành. Cục sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ như thuế và quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu theo sát với diễn biến giá xăng dầu của thị trường quốc tế và đảm bảo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Theo tính toán của HSC, sắp tới, nếu giá xăng tăng với mức cao, khoảng 1,45%, thì việc tăng giá xăng này sẽ không kịp ảnh hưởng tới CPI của tháng 7, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới CPI của tháng 8. “Ước tính đợt tăng giá xăng này sẽ công thêm trực tiếp 0,25% vào tốc độ tăng CPI theo tháng của tháng 8 và cộng thêm gián tiếp 0,23% vào tốc độ tăng CPI theo tháng của 2 tháng tiếp theo”, báo cáo nhận định

Lệ Thúy
.
.
.