Điều gì đang diễn ra trên thị trường vàng?

Thứ Hai, 15/09/2014, 01:23
Liên tục mất giá và bẻ gãy mốc 36 triệu đồng/lượng, giá vàng đang ngày một giảm sâu và được nhận định là sẽ tiếp tục giảm trong tuần giao dịch tới. Điều gì đang diễn ra trên thị trường vàng, khi mà chênh lệch giá vàng nội ngoại lại được nới rộng lên hơn 4 triệu đồng/lượng?

Đối mặt với sức ép giảm liên tục của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước đã kết thúc tuần với việc chọc thủng mốc 36 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng SJC TP Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 35,83-35,95 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC miền Bắc mua vào 35,83 triệu đồng/lượng, bán ra 35,97 triệu đồng/lượng. Vàng SJC của Doji mua bán ở mức 35,83-35,95 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ giá vàng cho thấy, giá vàng SJC đang rẻ nhất kể từ giữa tháng 5, tức là trong vòng 4 tháng trở lại đây. Đây cũng là lần đầu tiên giá vàng SJC tuột khỏi mốc 36 triệu đồng/lượng kể từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, nếu so sánh mức giảm giá với vàng thế giới, thì giá vàng trong nước vẫn chỉ giảm cầm chừng, khiến cho chênh lệch bị đẩy lên cao hơn 4,4 triệu đồng/lượng, cao nhất trong mấy tháng trở lại đây.

Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 11,9 USD/oz, tương đương giảm gần 1%, còn 1.229,3 USD/oz, mức thấp nhất trong 8 tháng trở lại đây. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 3,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5. Đây cũng là tuần giảm thứ tư của giá vàng trong 5 tuần trở lại đây. Tuần trước, giá vàng giao ngay giảm 1,6%.

Vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 4 triệu đồng/lượng.

Phân tích về nguyên nhân giảm giá của kim loại quý này, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng do nhu cầu vàng vật chất ở nhiều quốc gia giảm mạnh. Chẳng hạn, tại thị trường Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc - mặc dù sắp vào mùa lễ hội nhưng thị trường vàng nước này khá trầm lắng. Và theo như số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) thì nhu cầu đầu tư vàng tại Ấn Độ đã giảm 62% nửa đầu năm 2014, xuống 94,3 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức của quốc gia Nam Á này cũng giảm 14% xuống, chỉ còn 300 tấn. Bên cạnh đó, một số chính sách gần đây của Chính phủ Ấn Độ cũng khiến người dân ngần ngại mua vàng. Trong đó, đáng kể nhất là thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã được nâng lên 10% và áp dụng quy định “80-20” - có nghĩa là, nhà nhập khẩu vàng phải cung cấp 20% lượng vàng nhập khẩu cho nhà chế tác trang sức để tái xuất, nhằm cân bằng cán cân thanh toán cho Ấn Độ. Biện pháp trên được đưa ra khi người dân Ấn Độ đổ xô mua vàng sau đợt mất giá mạnh đầu năm ngoái, khiến nhập khẩu của nước này tăng vọt và tiền tệ mất giá kỷ lục.

Cùng với lý do chủ quan nói trên, lệnh ngừng bắn duy trì đã 1 tuần ở miền Đông Ukraine cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro giảm sút. Trên thị trường vàng vật chất, nhu cầu của khu vực châu Á tiếp tục ảm đạm, dù giá vàng giảm sâu. Bên cạnh nguyên nhân này, cũng có những lý do khác khiến vàng rớt giá như áp lực từ việc đồng USD tiếp tục tăng giá và những dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất. Tính đến tuần này, đồng USD đã có 9 tuần tăng giá liên tục. Cơ sở cho đồng USD mạnh và dự báo này là các thống kê kinh tế khả quan của Mỹ…

Thị trường vàng vẫn không mấy sáng sủa và áp lực giảm giá của vàng vẫn đến từ nhiều phía - đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia trên thế giới về giá vàng tuần mới. Áp lực giảm giá đối với vàng chủ yếu đến từ đồng USD mạnh. USD tăng giá không chỉ nhờ các thống kê kinh tế khả quan của Mỹ mà còn do giới đầu tư “đón đầu” cuộc họp FED diễn ra vào ngày thứ ba và thứ tư tới. Theo dự báo, kết quả cuộc họp này sẽ cho thấy chủ trương chính sách tiền tệ của Mỹ trong tuần tới. Trong cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia về dự báo giá vàng tuần tới do trang tin kim loại quý Kitco News thực hiện, có 5/24 ý kiến phản hồi dự báo giá tăng, 18 ý kiến cho rằng giá sẽ giảm, và 1 ý kiến nhận định giá sẽ di chuyển ngang

PV
.
.
.