Dịch vụ logistics hàng hải: Hướng tới phát triển toàn diện

Thứ Hai, 20/11/2006, 14:04

Ở Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics hàng hải còn rất mới. Phần lớn các dịch vụ hàng hải chỉ dừng lại phần việc của các công ty giao nhận, các cảng biển hầu như chưa hình thành dịch vụ này.

Hoạt động logistics hàng hải không đơn thuần chỉ là giao nhận vận chuyển mà thực tế phải đảm nhận các khâu liên quan đến quá trình sản xuất hàng hoá như gia công, chế biến, lắp ráp, đóng gói, gom hàng, xếp hàng, lưu kho và giao nhận.

Xu hướng đó không những đòi hỏi phải phối hợp liên hoàn tất cả những phương thức vận tải mà còn đòi hỏi kiểm soát được các luồng thông tin, luồng hàng hoá và luồng tài chính.

Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này dường như chỉ dừng lại hoạt động vận tải giao nhận thuần tuý đơn lẻ, chưa hình thành dây chuyền phân phối vật chất. Điều đó cũng có nghĩa là ta đã bỏ đi nguồn lợi nhuận không nhỏ cho một số người kinh doanh dịch vụ logistics nước ngoài...

Cũ người nhưng mới ta

Theo ESCAP (Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương), logistics là quá trình tối ưu hoá về vị trí, lưu trữ và chu chuyển hàng hoá từ điểm xuất phát đến tay người tiêu dùng, cuối cùng thông qua hàng loạt hoạt động kinh tế. Những năm gần đây, vận tải hàng hoá trên thế giới mang tính toàn cầu hoá, nên vị trí cảng biển giống như một trung tâm dịch vụ hậu cần. Kinh doanh dịch vụ logistics hàng hải đã và đang phát triển mạnh mẽ với qui mô rộng và toàn diện.

Lúc đầu chỉ là phân phối vật chất và được phát triển thành hệ thống logistics, sau cùng là quản trị dây chuyền cung ứng hay còn gọi logistics toàn cầu. Với sự phát tiển này, trên thế giới đã hình thành các công ty đa quốc gia hoàn thiện mạng cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng khắp nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics hàng hải còn rất mới. Phần lớn các dịch vụ hàng hải chỉ dừng lại phần việc của các công ty giao nhận, các cảng biển hầu như chưa hình thành dịch vụ này. Thực tế, quá trình vận chuyển hàng hoá bằng đường biển của ta chỉ đơn giản từ người gửi đến người nhận (vận chuyển - xếp dỡ), còn các quá trình (dịch vụ) phục vụ cho gửi - nhận, Việt Nam thường "nhường" cho người kinh doanh logistics của nước ngoài tại Việt Nam thực hiện.

Tuy Nhà nước ta chưa cho phép người nước ngoài hành nghề hàng hải ở Việt Nam, song bằng nhiều hình thức thông qua các văn phòng đại diện hoặc các công ty của Việt Nam, họ đã tìm cách luồn lách hoạt động dưới nhiều hình thức.

Hướng tới phát triển toàn diện

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006 - 2010, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ được Chính phủ, Bộ GTVT giao cho làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm và xây dựng đề án phát triển cảng biển hướng tới phát triển toàn diện trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics hàng hải. Theo đó, trước mắt tập trung vào 2 giải pháp chính: Nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng và mở rộng, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ vận tải giao nhận để dần hướng tới phát triển toàn diện mô hình logistics.

Hoạt động trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, không có sự bảo hộ của Nhà nước, muốn đứng vững không có giải pháp hữu hiệu nào hơn là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Tiếp đó, doanh nghiệp cần hoàn thiện các loại hình dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng, mà phổ biến hơn cả là dịch vụ vận tải giao nhận hàng hoá bằng container. Cụ thể, nhanh chóng cải tạo và nâng cấp theo hướng hiện đại hoá hệ thống kho bãi hiện có, phát triển kho bãi mới ở vị trí thuận lợi đảm bảo cho được triển khai nghiệp vụ gom hàng, bảo quản, đóng gói, giao nhận và vận chuyển.

Trong điều hành, củng cố hệ thống máy tính ghi lại toàn bộ thông tin liên quan đến container cũng như hàng hoá trong container (hệ thống CCMS quốc tế). Đây là hệ thống quản lý của các hãng vận tải giao nhận nước ngoài thường sử dụng, nay Việt Nam áp dụng để chuyển dần sang cung cấp dịch vụ logistics.

Phát triển toàn diện mô hình logistics là giải pháp hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận của Việt Nam hiện nay. Xu hướng đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ cung ứng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận cần tập trung vào 3 khâu chính là: Đảm nhận việc đóng gói, phân loại hàng hoá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời cung cấp dịch vụ kiểm kê, phân phối hàng hoá đến đúng địa chỉ tiếp nhận; cuối cùng, đầu tư, xây dựng hợp lý, có hiệu quả hệ thống kho bãi của doanh nghiệp...

Theo PGS.TS. Nguyễn Như Tiến (Trường Đại học Ngoại thương), Việt Nam trên đường hội nhập thì kinh doanh dịch vụ logistics càng đòi hỏi yêu cầu cao. Các doanh nghiệp muốn trở thành người kinh doanh dịch vụ này không thể không tìm hiểu những điều kiện hoàn thiện, phát triển. Những điều chúng ta thiếu so với thế giới càng rất cần các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ hàng hải với mục đích không bỏ rơi lợi nhuận cho người khác hưởng lợi ngay trên đất mình - đất nước có lợi thế khai thác kinh tế biển mà nhiều nước mơ ước...

Mạnh Hừng
.
.
.