Để người Việt gần hơn với hàng Việt

Thứ Bảy, 30/07/2011, 10:58
Một vấn đề khác được đặt ra rất nhiều thời gian gần đây, là sự đội giá vô lý giữa khâu bán buôn và bán lẻ. Từ chợ đầu mối ra chợ bán lẻ, có những mặt hàng tăng lên gấp 3, 4 lần, đặt ra vấn đề khâu lưu thông phân phối. "Hiện nay xuất hiện những nhóm lợi ích thao túng giá cả thị trường, làm hàng lậu xâm nhập vào nhiều, hàng Việt không tiêu thụ được...".

Sau 2 năm triển khai, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc phát động đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ người dân tin dùng hàng Việt đã tăng gấp đôi, từ 30% lên đến 60%, nhiều thương hiệu Việt Nam đã khẳng định được vị thế, hàng Việt đã bước đầu thâm nhập được vào thị trường nông thôn rộng lớn... Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều những hạn chế cần bàn, khi nhập siêu hàng tiêu dùng của chúng ta hàng năm vẫn rất lớn. Bởi vậy, sáng 29/7, buổi tọa đàm "Để người Việt gần hơn với hàng Việt" đã được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi tốt hơn cho hàng Việt trong thời gian tới.

Bước đầu tiếp cận được thị trường nông thôn rộng lớn

"Cho đến tháng 6/2011, một số cuộc điều tra đã cho thấy sự thay đổi ngoạn mục trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Từ hơn 70% NTD chuộng hàng "ngoại", đến nay gần 60% NTD đã "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cho biết.

Bên cạnh đó là việc tăng số DN tham gia các đợt bán hàng về nông thôn, các hội chợ - triển lãm hàng Việt, tuần bán hàng vì người tiêu dùng và hàng trăm điểm bán hàng bình ổn giá, cùng với mức tăng trưởng mạnh doanh thu bán hàng Việt từ đô thị đến nông thôn… đã cho thấy hiệu quả của cuộc vận động trong 2 năm qua.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng kết quả lớn nhất đạt được có lẽ là sự thay đổi về nhận thức và văn hóa tiêu dùng của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã triển khai được 26 chuyến bán hàng về các vùng ngoại thành Hà Nội, với hơn 300 mã hàng/chuyến, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.

"Ban đầu, người dân có thái độ ngần ngại vì nghĩ hàng về nông thôn là hàng thứ cấp, hàng rởm, hàng hết đát... Nhưng sau khi chúng tôi tổ chức nhiều chuyến, họ đã hiểu hơn, và bây giờ rất trông chờ các chuyến hàng về" - bà Mai Khuê Anh, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết.

Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp cũng đã tiếp thị được hình ảnh của mình đến người dân. Đơn cử một nhãn hiệu bột giặt, ban đầu bán rất chậm. Hãng này bèn áp dụng cách, mua mỗi túi 2kg, người dân sẽ được tặng 1 chiếc chậu nhựa to. Trong một buổi chiều, họ bán hết veo một xe hàng, thậm chí còn phải điều thêm. Sau đó, nhãn hiệu này kinh doanh rất tốt ở các khu vực nông thôn, vì người tiêu dùng dùng thử và chấp nhận chất lượng của nó.

Tại khu vực phía Nam, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cũng cho biết: Thái độ tiếp nhận hàng Việt của người dân đã tích cực hơn. Sau khi thực hiện những chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, người nông dân cho rằng: "Có nhiều nhãn hàng Việt Nam siêng năng đến chào hàng, tận tụy bán hàng, thường xuyên tặng quà khuyến mãi… tăng chất lượng dịch vụ bán hàng".

"Từ 65 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã thu hoạch được những gì họ cần. Hiện nay đã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hàng Việt tại thị trường nông thôn, vấn đề là cần những hành động thiết thực" - bà Hạnh cho biết.

Hàng hóa Việt ngày càng chiếm lĩnh các siêu thị.

Nên khôi phục hệ thống phân phối tuyến xã

Đặt vấn đề một cách thực tế hơn, TS Nguyễn Quang A chứng minh bằng con số chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong 4 tháng đầu năm 2011, chúng ta nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 7 tỷ USD, thì 27,43% trong số đó là hàng tiêu dùng như sữa, trứng, thịt gia cầm, động vật, rau, dầu ăn... So với nhập khẩu ở các thị trường khác chỉ khoảng 7 - 8%, thì đây là một con số rất đáng chú ý. Đấy là chưa kể đến một lượng khổng lồ nhập tiểu ngạch, nhập lậu mà cơ quan chức năng chưa thống kê được.

Thậm chí ngay ở địa hạt thế mạnh là thực phẩm, với vị trí là một nước nông nghiệp, chúng ta cũng phải cạnh tranh với hàng nước ngoài. Bởi vậy, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội quan tâm đến vấn đề: Liệu hàng Việt có tìm ra lối đi riêng cho mình? Khi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn những điểm yếu cố hữu là năng suất lao động thấp, thấp hơn từ 2 đến 15 lần so với khu vực, chất lượng và giá cả đều chưa cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải có chiến lược đầu tư nghiên cứu thực sự cụ thể và lâu dài.

Một vấn đề khác được đặt ra rất nhiều thời gian gần đây, là sự đội giá vô lý giữa khâu bán buôn và bán lẻ. Từ chợ đầu mối ra chợ bán lẻ, có những mặt hàng tăng lên gấp 3, 4 lần, đặt ra vấn đề khâu lưu thông phân phối. "Hiện nay xuất hiện những nhóm lợi ích thao túng giá cả thị trường, làm hàng lậu xâm nhập vào nhiều, hàng Việt không tiêu thụ được, hoặc bị ép giá, cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất đều thiệt thòi" - ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Ông Phú đề xuất, Nhà nước cần đầu tư hệ thống kho dự trữ hàng hóa và hỗ trợ phát triển khâu phân phối, bởi trong thương mại, ai nắm được bán buôn sẽ chi phối được bán lẻ. Nhiều nhà phân phối cho rằng, với mức giá thuê mặt bằng từ 50 - 70 USD/m2/tháng như hiện nay cũng chính là một phần nguyên nhân đẩy giá hàng bán lẻ tăng cao.

Với thị trường nông thôn cực kỳ rộng lớn, nơi gần 80% dân số Việt Nam sinh sống, khu vực này cần được quan tâm nhiều hơn. Đại diện Hapro kiến nghị, cần có hệ thống phân phối chuyên nghiệp đến tuyến xã, bởi các chuyến đưa hàng về nông thôn thường thu không đủ bù chi, và không thể thực hiện thường xuyên. Đơn vị này cho rằng Nhà nước nên xem xét khôi phục lại hệ thống các cửa hàng mậu dịch của nhà nước để phân phối hàng có chất lượng đến tay người dân

Vũ Hân
.
.
.