Đắk Lắk:

Đề nghị truy tố cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Thứ Sáu, 30/06/2006, 13:27

Với sự giúp sức của ông cậu họ nguyên là chủ tịch huyện Cư Mgar, hiện là Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, cặp vợ chồng lừa đảo bị Công an Lâm Đồng truy nã này, nhập khẩu hợp pháp về TP Buôn Ma Thuột. Có nhà, có khẩu, cặp vợ chồng này bắt đầu "vay tiền trả lãi suất cao".

Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Ngọc Dược (đều 37 tuổi), quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Từ thời còn ở quê, hai "anh chị" này đã cấu kết nhau hành nghề đồng bóng, bói toán để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Năm 1993, Loan và Dược bỏ quê lên thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng định cư và sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn.

Nguyễn Thị Loan còn có tên gọi khác là Phố, được trời phú cho tài ăn nói nên thị có khả năng thu hút người khác. Từ năm 1996 - 1999, hai vợ chồng Loan, Dược đã lừa vay tiền của 13 người dân ở thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, với lãi suất cao, chiếm đoạt 214 triệu đồng và 2 lượng vàng rồi bỏ trốn sang Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Tháng 1/2000, Công an thị xã Bảo Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Loan, Dược về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhưng do không bắt được đối tượng nên đã tạm đình chỉ điều tra.

Lúc đầu bỏ trốn sang Đắk Lắk, Loan, Dược thuê nhà ở trọ, đến năm 2002, Loan, Dược mua lô đất tại 11A, đường Giải Phóng, TP Buôn Ma Thuột và vay mượn xây căn nhà 2 tầng với mục đích đánh lừa người khác để tiếp tục huy động vốn. Tháng 10/2003, Loan, Dược đã nhờ người cậu họ của Loan là Nguyễn Tấn Hùng, lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar (hiện nay là Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk) bảo lãnh nhập khẩu cho Loan, Dược theo diện KT3 vào hộ khẩu gia đình ông Hùng ở khối 2, thị trấn Quảng Phú, Cư Mgar, Đắk Lắk.

Mặc dù biết Loan, Dược không cư trú ở nhà mình nhưng ông Hùng vẫn bảo lãnh để Loan, Dược hợp thức hóa hồ sơ thủ tục nhập khẩu và sau đó được chuyển khẩu hợp pháp từ Cư Mgar về số 11A- Giải Phóng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Nhờ có nhà và hộ khẩu hợp pháp ở đây, Loan, Dược bắt đầu vay tiền trả lãi cao để chiếm đoạt.

Lúc đầu, để lấy lòng tin mọi người, Loan, Dược vay với lãi suất 3-6%/ tháng và trả lãi đều đặn. Dần về sau, Loan, Dược tăng lãi suất lên 6-10%/tháng, có trường hợp còn vay "nóng" trả lãi ngay trong ngày. Ngoài thủ đoạn trả lãi cao, Loan, Dược còn tạo dựng lòng tin bằng cách dùng tiền vay để mua sắm tài sản có giá trị. Giữa năm 2004, Loan còn vận động nhiều người chơi góp huê và do Loan làm chủ với lãi suất 30-40%/tháng. Tổng cộng, trong thời gian từ 2003-2005, vợ chồng Loan, Dược đã chiếm đoạt của những người dân trên địa bàn Đắk Lắk hơn 9,5 tỷ đồng, 900 USD và 7 chỉ vàng.

Loan, Dược khai nhận số tiền vay chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của những người dân ở Lâm Đồng và Đắk Lắk đã làm ăn thua lỗ hết. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, Loan và Dược chỉ sử dụng khoảng 1 tỷ đồng trả lãi, còn lại chiếm đoạt và tẩu tán hết…

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc điều tra, đề nghị VKSND tỉnh Đắk Lắk truy tố bị can Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Ngọc Dược về hai tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Riêng ông Nguyễn Tấn Hùng (hiện là Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk) đã bảo lãnh nhập khẩu cho Loan, Dược trái phép, cơ quan CSĐT kiến nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý hành chính

Ngọc Như
.
.
.