Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm cả ‘sếp’ tập đoàn kinh tế

Thứ Sáu, 06/06/2014, 11:06
Có ý kiến đề nghị cần lấy phiếu tín nhiệm cả chức danh tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế Nhà nước để ràng buộc trách nhiệm những vị nắm giữ nguồn kinh phí lớn của Nhà nước. Một số vấn đề như thời gian lấy phiếu, mức lấy phiếu… cũng được thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri rất quan tâm sau khi thực hiện lần đầu tiên việc lấy phiếu vào năm 2013. Tuy nhiên, xung quanh quy định lấy phiếu còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đáng chú ý, về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung các chức danh giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội như tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị các công ty, tập đoàn 100% vốn nhà nước. Đây là những chức danh quan trọng, tuy ở mảng doanh nghiệp, không phải giữ chức trách trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước nhưng lại nắm giữ nguồn kinh phí lớn của Nhà nước, cần phải đưa vào diện lấy phiếu để ràng buộc trách nhiệm.

Trong khi đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được giữ như quy định của Nghị quyết số 35: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Nhiều ý kiến đề nghị sửa theo hướng giản lược đối tượng lấy phiếu, chỉ tập trung vào cơ quan hành pháp, không lấy phiếu ở cơ quan lập pháp như hiện hành.

Có ý kiến đề nghị lãnh đạo tập đoàn cũng phải lấy phiếu tín nhiệm.

Về thời hạn, Nghị quyết 35 quy định lấy phiếu mỗi năm một lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, hội đồng nhân dân tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3) nhằm tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa 11). Tuy nhiên, nhiều đoàn cho rằng giãn cách như vậy là quá lâu.

Đặc biệt, về mức lấy phiếu, hiện có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Theo tổng hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có đến trên 20 đoàn và đại biểu ở 5 đoàn khác đề nghị chỉ nên quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”  hoặc “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”. Các ý kiến cho rằng, quy định 2 mức là khoa học, theo đó ai nhiều phiếu tín nhiệm tức là tín nhiệm cao, ai ít tín nhiệm là tín nhiệm thấp, không để 3 mức dễ phân tán, trung dung. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị vẫn đề nghị giữ 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Theo tờ trình, người được lấy phiếu khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Người có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ trình bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Pháp luật tán thành với các quan điểm lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thẩm tra đề nghị đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, có 3 vấn đề tập trung nghiên cứu rút kinh nghiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ này. Thứ nhất là đối tượng lấy phiếu. Đối với Trung ương không có gì thay đổi là diện Quốc hội bầu, phê chuẩn, giới hạn ở 47 người như kỳ trước. Thứ hai, về thời gian lấy phiếu, đang có 2 phương án là cả nhiệm kỳ lấy 1 lần, hoặc cả nhiệm kỳ lấy 2 lần. Theo ông, để phục vụ cho đánh giá cán bộ nên lấy tối thiểu 2 lần, vì nếu đầu kỳ người ta chưa có gì thể hiện còn cuối kỳ không có cơ hội cho họ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ viên chức, cấp thứ trưởng trở xuống việc đánh giá xếp loại là hằng năm, còn nếu cấp cao từ bộ trưởng trở lên mà cả 5 năm 1 lần là quá ít. Thứ ba về xếp loại, còn băn khoăn 2 mức (tín nhiệm hay không tín nhiệm) hay 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp)

Đ.Minh
.
.
.