Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nông thôn

Thứ Tư, 19/11/2014, 11:08
Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” lần thứ 133 được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện tại thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang từ ngày 10/10 đến 12/10.

Trước khi triển khai việc đưa “phiên chợ” hàng Việt về thị trường này, Phòng Thị trường nông thôn (thuộc BSA) đã tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy: Tại Chợ Gạo, nhiều mặt hàng tiêu dùng của DN Việt Nam còn rất hạn chế, cả về số lượng lẫn chủng loại, mẫu mã. Nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Các mặt hàng như: Mền, gối, nệm, quần áo... đa số là hàng trôi nổi hoặc có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với chất lượng thấp, giá rẻ, thu hút người tiêu dùng (NTD) mua sắm.

Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” triển khai từ cuối năm 2009, đến nay đã được 5 năm. Có thể nói, chương trình đã có những đóng góp rất thiết thực, chuyển biến mối quan tâm và tín nhiệm hàng Việt đối với NTD nông thôn, hỗ trợ nhà sản xuất trong nước nhận biết được “sức khỏe” của hệ thống phân phối tại thị trương nông thôn và có hướng điều chỉnh sản phẩm phù hợp với NTD nông thôn. Tuy nhiên, thời điểm “vàng” của các phiên chợ hàng Việt về nông thôn chỉ thật sự kéo dài đến năm 2011 (năm 2011 có 962 DN tham gia), sau đó giảm mạnh vào năm 2012 (chỉ còn 683 DN tham gia). Trong 9 tháng đầu năm 2014, số DN tham gia chỉ dừng lại ở mức 454 DN.

Lý giải về việc giảm “đột biến” này, ông Trần Hoàng Tuyên - Phó Giám đốc BSA cho rằng, năm 2011, DN tham gia đông là vì giai đoạn 2009 - 2011, chương trình còn mới mẻ đối với DN. Các địa phương xem đây là sự đột phá và là cách thực hiện hóa nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các DN tham gia đều là những DN lớn và DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Tuy nhiên, đến năm 2012, các địa phương tự thực hiện nhiều chương trình tương tự, chủ yếu là hình thức bán hàng lưu động. Đến đây thì có sự phân hóa: Các DN cần bán hàng để có doanh số thì tham gia phiên chợ lưu động của các địa phương tổ chức, còn các DN cần mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối thì tham gia các chương trình của BSA. Hầu hết những DN nhỏ và cực nhỏ chỉ tiếp tục tham gia, “đeo đuổi” khi thấy cái nào có lợi tức, còn không có lợi thì không tham gia. Những DN lớn cũng thay đổi chính sách khi tiếp cận thị trường nông thôn, thay đổi nhân sự… nên dẫn đến số lượng tham gia bị giảm nghiêm trọng.

“Phiên chợ hàng Việt về nông thôn hiện nay có 2 dạng thức: Thứ nhất là phiên chợ “Bán hàng lưu động và kích cầu”, thứ hai là “phiên chợ bán hàng Việt”. Trong đó, phiên chợ dạng 2 (phiên chợ bán hàng Việt) chủ yếu giúp DN mở mạng lưới lâu dài cho hàng Việt ở địa phương. Còn với phiên chợ dạng 1 (phiên chợ bán hàng lưu động và kích cầu), nếu địa phương không giám sát kỹ thì sẽ khó tránh khỏi việc lẫn lộn hàng Trung Quốc, hàng không xuất xứ, thậm chí độc hại. NTD sẽ không phân biệt được đâu là những phiên chợ có chất lượng để mua sắm vì có quá nhiều phiên chợ bán hàng lưu động mà hàng hóa bị trộn lẫn (thường không phải do nhà sản xuất tự bán mà do các chương trình thương mại bán)”, ông Trần Hoàng Tuyên cho biết.

Nhiều DN cũng cho rằng, có quá nhiều hoạt động không chất lượng “ăn theo” chương trình “Hàng Việt về nông thôn” dẫn đến sự nghi ngờ của NTD. Ngoài ra, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo kẽ hở cho hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, kém chất lượng... tung hoành trên thị trường “giết” chết hàng Việt. Đó cũng là lý do khiến DN cũng không mặn mà lắm khi tham chương trình đưa hàng Việt về thị trường nông thôn

T.Hà
.
.
.