Để 120 nghìn tỷ đồng “bẩy” thị trường bất động sản không bị tắc

Thứ Năm, 27/03/2014, 11:32
Ngay sau khi Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin dành 50 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản, 7 ngân hàng nữa cũng đã đăng ký với NHNN với tổng số tiền là 70 nghìn tỷ để cho vay phục vụ ngành địa ốc. Như vậy, lần đầu tiên các ngân hàng cùng nhau bắt tay, triển khai một gói tín dụng khủng cho nhà đất, với quy mô lên tới 120 nghìn tỷ đồng.

Trong buổi họp báo để công bố gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dành cho bất động sản, lãnh đạo VNCB cho biết đây là gói tín dụng thương mại bình thường, khác hoàn toàn so với gói 30.000 tỷ đồng trước đó được áp dụng để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà. Gói tín dụng này sẽ thông qua hình thức liên kết chuỗi 4 nhà: nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu xây dựng và ngân hàng nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chung cư xã hội hóa, nhà ở... Tham gia vào gói tín dụng này, ngoài VNCB sẽ có nhiều ngân hàng khác như ACB, Ngân hàng Quân đội, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Argribank, Oceanbank, Lienvietpostbank... tham gia.

Sau khi thông tin về gói tín dụng 50 nghìn tỷ được công bố, theo VNCB, có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với NHNN 70.000 tỷ đồng, là khoản cho vay bình thường phục vụ bất động sản. Nếu phối hợp hai gói này, con số sẽ lên đến 120.000 tỷ. Như vậy, lần đầu tiên các ngân hàng cùng nhau bắt tay triển khai một gói tín dụng khủng cho nhà đất, với quy mô lên tới 120.000 tỷ đồng, cho dù, theo NHNN, điều này còn tuỳ thuộc vào thực tế và hiệu quả của các dự án bất động sản.

Theo số liệu tính toán, tồn kho bất động sản lên tới 92.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản 262.107 tỷ đồng. Với điểm mới và tiến bộ của gói hỗ trợ 120.000 tỷ là sự liên kết, điều này cho thấy, các ngân hàng đang dốc sức cùng nhau vực dậy thị trường bất động sản- cũng là nơi chôn vốn lớn nhất của ngành Ngân hàng.

Không phải chỉ thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng chờ đợi gói tín dụng này, mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng gói tín dụng này sẽ thực sự là đòn bẩy cho thị trường đang ảm đạm hiện nay. Tuy nhiên, với bài học chậm giải ngân từ gói 30 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất, cũng có không ít nghi ngại về việc sẽ rất có thể lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến “tắc” dòng vốn của gói 120 nghìn tỷ.

Để tránh đi vào “vết xe đổ”, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vì đây là gói tín dụng đồng tài trợ nên cần phải có sự cam kết rõ ràng. Các thành phần tham gia ngân hàng, lẫn chủ đầu tư… phải đưa ra được tỷ lệ phần trăm thực hiện mục tiêu. Tức là, ngân hàng A, ngân hàng B cam kết đưa vốn thì tỷ lệ vốn đó là bao nhiêu, thị phần như thế nào. Các ngân hàng cùng tham gia nhưng phải có một anh ngân hàng nhất định, có uy tín, quy mô đứng ra chủ trì.

“Điểm quan trọng nhất để cho gói 120.000 tỷ không bế tắc, các ngân hàng phải thống nhất đưa ra bộ tiêu chí sản phẩm tín dụng, cấu trúc tín dụng phù hợp với khả năng trả nợ của người dân, thời gian cho vay phải kéo dài hơn gói 30.000 tỷ, lên tới 20 năm – 25 năm”, ông Hiếu nói

Hà An
.
.
.