Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cầu Nhật Tân vào ngày giải phóng Thủ đô

Thứ Sáu, 14/02/2014, 10:04
Là một cây cầu dây văng đẹp về mỹ thuật, hiện đại về công nghệ và gắn với Hà Nội - thành phố 5 cửa ô, cầu Nhật Tân luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Những ngày đầu xuân này, có mặt tại công trường cầu Nhật Tân, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự hoành tráng của cây cầu huyết mạch của tuyến vành đai II và không khí lao động đầy háo hức ở đây.

Khởi công từ tháng 4 năm 2009, đến nay công trình cầu Nhật Tân đã bước vào giai đoạn cuối. Tổng chiều dài toàn bộ tuyến từ điểm đầu đến điểm cuối là 9km, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp. Dự án có tổng mức đầu tư 13.626.365 triệu đồng.

Được biết, công trình này chia thành 4 gói thầu với sự tham gia của các nhà thầu: Liên danh Tập đoàn IHI (Nhật Bản) và Công ty xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật bản); Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và VINACONEX (Việt Nam); Công ty TNHH Tokyu (Nhật Bản). Chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải, dự án được tư vấn thiết kế và giám sát bởi Liên danh Chodai + Nippon Engineer + TEDI.

Ngay từ khi khởi công, dự án cầu Nhật Tân đã nhận được sự quan tâm của người dân Thủ đô, đặc biệt là bà con làng đào Nhật Tân (Tây Hồ) và huyện Đông Anh. Việc cây cầu dây văng được thiết kế 5 nhịp liên tục với 5 tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe về kỹ thuật và mỹ thuật. Kỹ sư Nguyễn Hồng Trang, Phó Giám đốc Dự án cầu Nhật Tân (Ban Quản lý Dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải) cho chúng tôi biết, công trình này có 2 điểm đặc biệt. Một là, móng cầu được xây dựng kiểu vòng vây có ống thép, lần đầu thực hiện tại Việt Nam. Hai là, cầu dây văng liên tục 5 nhịp, 5 tháp (thông thường là 2 tháp, 5 nhịp).

Cầu Nhật Tân đang dần hoàn thiện.

Trong cơn gió lộng của sông Hồng và cái rét ngọt của ngày xuân, chúng tôi leo cầu thang rồi đứng trên mặt cầu nhìn ra tứ phía và cảm nhận rõ sự bề thế của công trình. Nhìn 5 tháp cao 120m với những hàng dây văng níu xéo cho người ta cảm giác sự bền vững của công trình. Khi cây cầu này hoàn thành, sẽ trở thành điểm nối quan trọng của tuyến vành đai II. Lúc đó, những con đường huyết mạch giữa nội đô Hà Nội với các tỉnh, thành lân cận trong vùng sẽ phát huy lợi thế trong lưu thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Chỉnh, chúng tôi được biết, anh quê ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), hiện đang là công nhân của Công ty Hải Ánh, đơn vị thi công một số hạng mục của Dự án. Từ ngày mùng 6 Tết, anh và các công nhân trong tổ thi công của anh đã trở lại công trường, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục mà Tổ của anh trực tiếp quản lý, thi công. Mặc dù mới được tăng cường thi công cho công trình từ tháng 3/2013, song nói chuyện với anh, tôi cứ ngỡ đang tiếp xúc với một công nhân đã gắn với công trình này từ khi mới khởi công vậy.

Mặc dù những ngày ngoài Tết có mưa phùn, lạnh nhưng các anh vẫn làm việc rất nghiêm ngắn. Trên mặt cầu phía Nam, anh Phùng Văn Long, ở huyện Ba Vì (Hà Nội), công nhân Công ty Quang Trung – đơn vị đảm nhận thi công một số hạng mục của Dự án đang cùng anh em trong Tổ thi công thao tác nhanh nhẹn công đoạn hàn xì các mối nối sắt. Anh Long tâm sự, bản thân đã theo công trình này từ đầu nên có nhiều gắn bó. Chứng kiến cây cầu ngày một hiện rõ hình hài, hơn ai hết anh tự hào vì mình cũng đã tham gia đóng góp công sức.

Công nhân làm việc ngày đầu xuân ở công trường cầu Nhật Tân.

Để biết rõ hơn về tiến độ thi công của công trình, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Dự án cầu Nhật Tân (Ban Quản lý Dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay, tại gói thầu số 1 – xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc đã hoàn thành kết cấu nhọp và hợp long nhiều đoạn; 20/22 đoạn dầu trụ tháp P12 và 18/22 đoạn dầm trụ tháp P16 đã được hoàn thiện. Các hạng mục như: Gờ lan can, bó vỉa, hệ thống điện, chống thấm mặt cầu… đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện. Đối với gói thầu số 2 – xây dựng đường và cầu dẫn phía Nam: từ Km0 – 000,14 đến Km0 -160, nhà thầu đã hoàn thành công tác đắp nền K98, kết cấu tường chắn và hệ thống thoát nước mặt. Còn các kết cấu phụ trợ trên tuyến chính đang được nhà thầu tiếp tục thi công...

Đáng chú ý, đối với gói thầu số 3 – xây dựng đường dẫn phía Bắc, đã hoàn thành công tác đắp nền đường, hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật, hệ thống tường chắn dọc theo các nhánh 1,2,3,4 nút giao Vĩnh Ngọc và đường gom số 2 – Nút giao Tả Hồng. Đơn vị thi công cũng đang khẩn trương thi công các lớp base, subase của đường chính và đường gom… Riêng phần cầu, nhà thầu đã hoàn thành cơ bản, hiện đang thực hiện công tác hoàn thiện.

Cũng là người gắn bó với công trình nên kỹ sư Nguyễn Hồng Trang thuộc rất rõ từng hạng mục cũng như những khó khăn mà Ban quản lý dự án, nhà thầu gặp phải trong quá trình thi công. Hẳn là bạn đọc từng biết đến sự kiện nhà thầu “phạt” chủ đầu tư về việc chậm bàn giao mặt bằng. Việc này sau đó đã được giải quyết, tuy nhiên những phát sinh trong việc nâng chi phí khiến không ít người tiếc nuối. Cầu Nhật Tân là công trình phục vụ quốc kế dân sinh, việc người dân trong diện phải giải phóng mặt bằng ủng hộ, bàn giao sớm cho chủ đầu tư sẽ góp phần giảm chi phí, đưa công trình sớm hoàn thành.

Được biết, so với dự kiến việc xây dựng đường dẫn lên cầu phía Nhật Tân gặp khó khăn do bàn giao mặt bằng chậm. Gần đây, UBND TP Hà Nội bàn giao mặt bằng để nhà thầu tiến hành thi công. Để đảm bảo tiến độ, thời gian thực hiện hạng mục này sẽ được kéo ngắn xuống.

Theo dự kiến, tháng 4 năm nay, cầu Nhật Tân sẽ thông xe kỹ thuật và ngày 10-10 - lễ kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô sẽ thông xe chính tuyến, đồng thời tiến tới hết năm 2014, toàn bộ các hạng mục của công trình trọng điểm – cầu Nhật Tân sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Việc cầu Nhật Tân hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô sẽ là dấu mốc đáng nhớ của Hà Nội

Cao Hồng - Trần Huy
.
.
.