Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Thứ Hai, 03/10/2011, 10:37
Trong 8 tháng đầu năm 2011, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc tăng đến 61%, trong khi một số thị trường điển hình khác như: EU tăng 46,8%, Nhật Bản 39,5%, Mỹ tăng 20,2%,... Điều đó cũng phản ánh nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam của thị trường Trung Quốc là khá lớn.

Thời gian gần đây, tình trạng thương nhân Trung Quốc sang tận các vùng nguyên liệu tại Việt Nam để thu mua một số mặt hàng nông sản, thủy sản với giá cao bất thường khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn. Vậy, đây có phải là nhu cầu thực của thị trường Trung Quốc đang ngày càng tăng mạnh?

Doanh nghiệp trong nước thua trên “sân nhà”

Tình trạng này bắt đầu rộ lên mạnh từ khoảng thời điểm mùa thu hoạch vải thiều ở Lục Ngạn - Bắc Giang trong thời gian qua. Trong khi các doanh nghiệp trong nước thu mua vải thiều của nông dân với giá 5.000 -7.000đ/kg thì các thương nhân Trung Quốc đã tăng giá thu mua lên 8.000 - 16.000đ/kg. Họ thu mua số lượng lớn, giá ổn định và giao tiền ngay khi lấy hàng. Chính những điều kiện quá hấp dẫn như vậy nên việc mua bán của thương nhân Trung Quốc đã “ăn đứt” các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên “sân nhà”.

Không chỉ thế, các thương nhân Trung Quốc còn đổ về khu vực miền Tây để thu mua khoai lang các loại. Không những thu mua khoai lang từ các hộ nông dân mà các thương nhân Trung Quốc còn thuê đất trồng loại nông sản này tại địa bàn xã Thuận An, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) để làm nguyên liệu.

Còn tại Bến Tre, mặt hàng chủ lực của địa phương này là dừa khô cũng bị các thương nhân Trung Quốc thu mua với số lượng lớn. Thiếu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chế biến trên địa bàn tỉnh buộc phải nhập khẩu dừa để duy trì sản xuất.

Trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản đang lúng túng, bị động vì thiếu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu, thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản cũng phập phồng lo sợ không kém vì các thương nhân Trung Quốc cũng đã thâm nhập sang lĩnh vực thủy sản (chủ yếu thu mua mặt hàng tôm sú). Cũng với lợi thế thu mua giá cao, đặt cọc trước 30% và sẽ thanh toán hết số tiền còn lại sau khi nhận hàng, thương nhân Trung Quốc đã “ghi điểm” với nông dân hơn các doanh nghiệp thu mua trong nước.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, mùa cao điểm xuất khẩu thủy sản là tháng 7-10 hằng năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của đối tác tại các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, mà kể cả các thị trường mới như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc nhu cầu cũng tăng cao. Hơn nữa, dự đoán giá xuất khẩu cũng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm nên các doanh nghiệp xuất khẩu rất phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất lo lắng vì hiện đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu…

Nhu cầu hàng Việt tăng mạnh tại Trung Quốc

Mặt hàng được các thương nhân Trung Quốc thu mua số lượng lớn từ các hộ dân Việt Nam trong thời gian gần đây.

Liên quan đến việc các thương nhân Trung Quốc tăng mạnh thu mua một số mặt hàng nguyên liệu trọng yếu của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức buộc phải gia nhập ngày càng sâu vào hệ thống kinh tế thế giới và khu vực, vừa qua, tại TP HCM, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) đã tổ chức hội thảo “Từ bối cảnh giao thương sôi động Trung Quốc - ASEAN, Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh làm ăn với Trung Quốc” với mong muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật các thông tin cũng như nhận định thực tế từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và làm ăn với Trung Quốc, để có những động thái ứng phó kịp thời.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho biết, việc các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam để tìm mua một số mặt hàng nông sản cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước này đang tăng cao, tạo cơ hội xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thực của thị trường Trung Quốc để có chiến lược mua bán trực tiếp thay vì thụ động để thương nhân Trung Quốc sang tận nơi thu mua. Đây cũng là thị trường tiềm năng và quan trọng.

Ông Vũ Minh Khương, Tiến sĩ chính sách công, ĐH Harvard, cho rằng, khi thâm nhập thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nên tránh khai thác các nhóm ngành mà nước này đang áp đảo.

Tuy nhiên, việc khiến doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là các thương nhân Trung Quốc thu mua nguyên liệu tại Việt Nam giá cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp trong nước, nên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Quốc rất khó.

Trước sự lúng túng của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, trong thời gian qua việc các thương nhân Trung Quốc thu mua hàng nông sản tại Việt Nam với giá cao, trong đó cũng có mặt hàng mít mà Vinamit sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất. Khi đó, Vinamit thu mua mít nguyên liệu với giá 7.000đ/kg trong khi các thương nhân Trung Quốc “đẩy” lên giá 12.000đ/kg.

Bất ngờ trước việc nâng giá quá cao của các thương nhân Trung Quốc, để tìm rõ thực hư việc này, bộ phận thị trường của Vinamit đã đến tận Trung Quốc tìm hiểu và biết được, nguyên liệu sau khi mua tại Việt Nam các thương nhân Trung Quốc về bán lại ngay tại thị trường Trung Quốc với giá 150.000đ/kg. Thấy đây là nhu cầu thực của thị trường này, nên ngay sau đó Vinamit đã nâng giá thu mua lên ngang bằng hoặc cao hơn giá thu mua của thương nhân Trung Quốc. Sau đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, nên hiện nay sản phẩm của Vinamit đã giữ vững được thị phần tại thị trường này.

Nhìn lại kết quả xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2011 của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc tăng đến 61%, trong khi một số thị trường điển hình khác như: EU tăng 46,8%, Nhật Bản 39,5%, Mỹ tăng 20,2%,... Điều đó cũng phản ánh nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam của thị trường Trung Quốc là khá lớn.

Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, một số thị trường châu Á mới nổi, trong đó đó Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh về nhu cầu tiêu dùng nên doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có chiến lược để tăng cường, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này

K.Ngân
.
.
.