Đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

Thứ Bảy, 13/07/2013, 15:50
An Giang là tỉnh có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi. Với nguồn nước mặt dồi dào, đất đai màu mỡ, An Giang thuận lợi trong việc sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến, tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh có lợi thế là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với các nước tiểu vùng sông Mekong. Đó là ưu thế để An Giang phát triển mạnh kinh tế biên mậu, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện tỉnh đang  đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ; hoàn chỉnh hạ tầng các Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình. Đặc biệt, có những cơ chế quản lý thương mại đường biên thông thoáng và thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, An Giang chú trọng việc đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại với các nước trong khu vực, trong đó quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng, gắn các đô thị, khu công nghiệp, cụm kinh tế cửa khẩu với các tỉnh và đặc biệt với các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan… Xác định xuất khẩu là trọng tâm và kinh tế biên mậu là mũi đột phá. 

Từ những kết quả đạt được trong lần diễn ra Hội chợ thương mại (HCTM) Quốc tế Tịnh Biên-An Giang năm 2013, nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Campuchia đã được mở ra. Đây là điều kiện để thúc đẩy kinh tế biên mậu của An Giang ngày càng phát triển.

Người dân An Giang và tỉnh Takeo (Campuchia) thường qua lại làm ăn, trao đổi mua bán đã thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác láng giềng cùng nhau phát triển. Điều đó được thể hiện ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, nơi có rất đông bạn hàng của hai bên trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày…

Trong lần tham gia HCTM Quốc tế Tịnh Biên-An Giang 2013, mặt hàng gạo của các DN Campuchia được bày bán rất đa dạng, phong phú.

Hội chợ thương mại Quốc tế Tịnh Biên-An Giang 2013 là một trong những chương trình thúc đấy kinh tế biên mậu phát triển.

Ông Kong Daneth, chủ doanh nghiệp sản xuất gạo thơm nổi tiếng Neang Malis, giới thiệu: “Gạo thơm Neang Malis đã có thương hiệu từ lâu do nhà máy của chúng tôi sản xuất, đóng gói trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Chúng tôi không chỉ cung cấp hàng cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Hằng năm, có khoảng 50.000 nông dân ở 4 tỉnh Kandal, Kampong Speu, Kampot và Takeo cung cấp lúa thơm cho nhà máy chúng tôi. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đến chào hàng ở An Giang và tìm cơ hội hợp tác làm ăn lâu dài”.

Theo ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, hội chợ năm nay trùng với chuỗi sự kiện quan trọng, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, công bố tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm đạt kỷ lục Châu Á, nên thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm.

Qua đó, đã tác động rất lớn đến nhận thức của cư dân vùng biên giới. Đồng thời, là dịp để quảng bá hình ảnh của huyện cũng như của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Có thể nói, thông qua hội chợ lần này mở ra triển vọng trong việc hợp tác kinh tế biên mậu giữa các DN Việt Nam và Campuchia.

Hiện tại, huyện Tịnh Biên đã có nhà máy thép công nghiệp đầu tiên tọa lạc tại xã An Cư do một công ty thép ở TP Cần Thơ đầu tư, với kinh phí xây dựng gần 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động địa phương. Thời gian tới, huyện Tịnh Biên sẽ tiếp tục kêu gọi các DN đến đầu tư nhiều dự án khác trên địa bàn…

Ông Nguyễn Ngọc Em-Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang bày tỏ, với quy mô 536 gian hàng của 258 doanh nghiệp trong và ngoài nước, HCTM quốc tế Tịnh Biên-An Giang 2013 đã giới thiệu các mặt hàng, như: Nông thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, dụng cụ gia đình, giày dép, may mặc, công  nghệ, máy móc thiết bị, hàng điện tử-gia dụng, đồ gỗ, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng và quảng bá du lịch…

Qua các ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan mua sắm (tăng trên 10% so với HCTM năm 2012), trong đó du khách Campuchia có gần 30.000 lượt, tăng 25%...

Hội chợ lần này mang tầm vóc quốc tế, tạo sức hút mạnh mẽ trong việc giao thương giữa hai nước Việt Nam-Campuchia với các nước tiểu vùng sông Mekong, góp phần mang lại sự ổn định và phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam nói chung, An Giang nói riêng…

Văn Đức
.
.
.