Đầu tư sản phẩm chủ lực - “đòn bẩy” tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Thứ Hai, 25/03/2019, 09:44
Nhằm đẩy mạnh kinh tế trong nước cũng như xuất khẩu, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của các doanh nghiệp (DN) có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và không vi phạm pháp luật...

Các nhóm sản phẩm chủ lực được lựa chọn sẽ được TP tập trung hỗ trợ, làm động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển...

Là một trong những DN có sản phẩm chủ lực đã được lựa chọn, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Đại Dũng cho rằng, với gần 25 năm hoạt động, từ một DN nhỏ sản xuất trong nước, đến nay Đại Dũng trở thành DN sản xuất kết cấu thép có thương hiệu quốc tế, với diện tích nhà máy lên tới hơn 50ha và 3.000 lao động, năm 2018 công ty doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 40% đi hơn 40 quốc gia trên thế giới. 

Trứng gia cầm thương hiệu Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt được chọn làm sản phẩm chủ lực của TP.

Tuy nhiên, mặc dù DN đã lớn nhưng vẫn chưa đủ kinh nghiệm quản lý cũng như năng lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do vậy, DN kỳ vọng UBND TP có thêm nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, vay vốn ưu đãi để DN tiếp tục mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Với ngành công nghiệp nhựa, những năm gần đây, đối mặt với nhiều khó khăn do phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

Theo thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi năm ngành nhựa cần 2-2,5 triệu tấn nguyên vật liệu nhưng khả năng đáp ứng trong nước chỉ khoảng 1/4 nhu cầu, tương đương 800 ngàn tấn, còn lại là nhập khẩu. Là DN trong ngành công nghiệp nhựa được lựa chọn là sản phẩm chủ lực của TP, Công ty Nhựa Duy Tân đã khắc phục khó khăn trên để tìm chỗ đứng của mình trên thương trường bằng cách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát trển (R&D) sản phẩm với mục tiêu tạo ra sự khác biệt trong từng dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường. 

Ông Lê Quang Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân chia sẻ, sản phẩm chủ lực của TP sẽ là tiền đề tạo nền tảng cơ sở để đánh giá, so sánh với sản phẩm trên thế giới. 

Tuy nhiên, để chương trình đi vào cuộc sống, cần tăng cường thêm sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành và nhất là sự dẫn dắt của UBND TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện hơn nữa cho DN kết nối cung cầu trong nước để có cơ hội xuất khẩu.

Trong lĩnh vực thực phẩm, dòng sản phẩm cháo tươi của Công ty Sài Gòn Food cũng được chọm làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Tuy chỉ mới gia nhập thị trường từ năm 2003, “tuổi nghề” chưa nhiều, nhưng DN cũng đang phát triển song song 2 thị trường. 

Đặc biệt, tại thị trường xuất khẩu Sài Gòn Food đã cung cấp hơn 50 mặt hàng đông lạnh cao cấp cho thị trường khó tính Nhật Bản,  doanh thu xuất khẩu chiếm 60% và nội địa 40%.

Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP được lựa chọn có đóng góp lớn vào cơ cấu ngành công nghiệp TP, chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất từ 5% trở lên so với toàn ngành công nghiệp. 

Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển, Sở Công Thương nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ, từ đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ các nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp. 

Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, về cơ chế vốn, về khoa học - công nghệ, về đào tạo nhân lực, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.

Được biết, có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP (chiếm tỷ trọng 54% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. 

Trong đó, mỗi nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên) gồm: Nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Nhóm sản phẩm thiết bị điện; Nhóm sản phẩm từ nhựa, cao su; Nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến; Nhóm sản phẩm đồ uống; Nhóm sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; Nhóm sản phẩm trang phục may sẵn. Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng gồm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

Thúy Hà
.
.
.