Đặt doanh nghiệp nội ở vị trí trung tâm trong đảm bảo an ninh năng lượng

Thứ Năm, 10/06/2021, 10:16
Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nội, đặt doanh nghiệp nội ở vị trí trung tâm để phát huy hơn nữa nội lực của đất nước là vấn đề cần được đặt ra trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội là vấn đề cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ các bộ ngành, địa phương.


Dù cả nước đang trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị tiết giảm mạnh, song theo công bố từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) những ngày cao điểm nắng nóng gần đây, số liệu ghi nhận từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vẫn cho thấy công suất tiêu thụ điện toàn quốc ngày 2/6 vừa qua tiếp tục lập đỉnh mới là 41.558 MW.  So với mức tiêu thụ đạt đỉnh của năm 2020, công suất tiêu thụ đỉnh của cả nước trong ngày này đã cao hơn tới hơn 3.200 MW, tương đương với mức tổng công suất của cả nhà máy thuỷ điện Sơn La (2.400 MW) và thuỷ điện Lai Châu (1.200 MW). Với tình hình trên, việc xem xét cẩn trọng với từng khía cạnh về phát triển nguồn điện và hạ tầng truyền tải trong Quy hoạch điện VIII là vấn đề tiếp tục được đặt ra...

Theo EVN, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài trên cả nước đã khiến nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện. Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố đối với hệ thống điện, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan, công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm. 

Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời do doanh nghiệp nội tự thiết kế, thi công và làm chủ đầu tư

Trước tính chất quan trọng của Quy hoạch điện lực Quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), nên dù đã được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua nội dung quy hoạch và trình Chính phủ vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã thận trọng, chưa xem xét, phê duyệt quy hoạch.

 Để tiếp tục hoàn thành Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương được Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều nội dung và lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6 này. 

Trong văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về vấn đề trên, thì "Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước. Trong đó, xác định quy mô phát triển hợp lý hệ thống điện Quốc gia qua từng thời kỳ để có giá bán điện hợp lý nhất". Để đạt được yêu cầu này, Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá kỹ hơn về hiện trạng năng lực hệ thống điện Quốc gia; khả năng cung ứng điện tối đa trong trường hợp có và không có ràng buộc về truyền tải công suất các nguồn điện.

Là quốc gia đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt từ an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, nguồn nước… cũng như chịu tác động không nhỏ từ những bất ổn về địa - chính trị của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó tự chủ, phát huy nội lực là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Với lĩnh vực phát triển năng lượng, Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ, dù đạt được những thành tựu nhất định, thì ngành năng lượng của cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vẫn còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi… nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho giai đoạn sắp tới, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt 125-130 GW, sản lượng điện đạt từ 550-600 tỉ kWh. Trong đó, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045. 

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn lực cho phát triển hệ thống điện, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng cho phép Chính phủ có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Với mục tiêu trên, những năm sắp tới hệ thống nguồn và truyền tải điện của cả nước sẽ tiếp tục có thể nhiều dự án quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn điện là do nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII bị chậm tiến độ. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp trong thời gian dài trên quy mô toàn cầu đã khiến hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ dự án điện gặp không ít khó khăn; nhà đầu tư, chuyên gia, lao động nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc do dịch bệnh… như vậy có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 đã gây tác động không nhỏ đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng trong nước. 

Nhìn lại các dự án điện đã hoàn thành thời gian qua, doanh nghiệp trong nước cũng không hề tỏ ra kém cạnh hay lép vế trước các nhà đầu tư ngoại trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ cũng như vấn đề đảm bảo an toàn trong triển khai dự án. Do vậy, để góp phần thực hiện vững chắc mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, trong Quy hoạch điện VIII và trong kế hoạch phát triển các dự án nguồn điện của địa phương, cần có sự quan tâm dành tỉ lệ nhất định cho các doanh nghiệp có thực lực trong nước, nhất đối với những nhóm dự án có tính chất quan trọng về vị trí và chiến lược phát triển nguồn điện. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nội luôn có cơ hội tiếp cận, nắm vững và làm chủ công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới của ngành điện. 

Chủ trương phát huy nội lực càng thể hiện rõ trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục quay trở lại và lan rộng trên nhiều tỉnh, thành, nguồn vaccine phòng dịch càng trở nên khan hiếm, có tiền cũng không dễ dàng mua được, nên để có thể tự chủ trong việc phòng bệnh cho nhân dân, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt nhằm nhanh chóng sản xuất thành công nguồn vaccine trong nước. Góp sức vào công tác kiểm soát dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nội cũng đã tiên phong trong việc đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 với số tiền rất lớn. Do đó, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nội, đặt doanh nghiệp nội ở vị trí trung tâm để phát huy hơn nữa nội lực của đất nước là vấn đề cần được đặt ra trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội là vấn đề cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ các bộ ngành, địa phương.


Đức Thắng
.
.
.