Danh sách “cây xăng gian ở Hà Nội” vẫn chưa lộ sáng

Thứ Năm, 02/10/2008, 15:48
Không hiểu lý do gì, cơ quan thanh tra ở Hà Nội cũng như khắp cả nước, lâu nay thanh tra xong, kết quả cây xăng nào vi phạm, mức độ tốt xấu ra sao không ai biết. Ngay cả cây xăng vi phạm nặng, họ cũng sử dụng như tài liệu mật. Chưa kể đến việc cơ quan chức năng tại Hà Nội trước khi thanh tra, kiểm tra cây xăng, thường thông tin rộng khắp trên phương tiện thông tin đại chúng, rằng sắp "thanh tra diện rộng", "làm rõ gian lận", rồi "xử lý nghiêm"...

Chiểu theo Điều 138 BLHS, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vi phạm nhiều lần, số lượng lớn, có tính chất chuyên nghiệp, đối với nhiều người... đều là những tình tiết tăng nặng.

Thế nhưng, nghịch lý là trong khi kẻ gian ăn cắp chiếc xe đạp có thể phải ngồi tù thì hàng loạt chủ các cây xăng "móc túi" tiền tỷ bằng công nghệ cao, có tổ chức với hàng loạt tình tiết tăng nặng thì lâu nay chỉ... phạt cho có, chưa có tiền lệ xử lý hình sự.

Người tiêu dùng bị móc túi (có khi đến 18% như kết quả thanh tra) nhưng không gì khác, chỉ nhận sự uất ức. Trong khi đối tượng vi phạm vẫn nhởn nhơ, thậm chí do cầu cao, họ còn được trọng dụng như nhân viên bán lương thực hồi bao cấp!

Những sai phạm dai dẳng có hệ thống

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Việt Nam hiện có chừng 10 nghìn cây xăng lớn nhỏ. Mỗi ngày, các điểm kinh doanh xăng dầu cả nước bán ra dao động ở mức 12,5 triệu lít xăng và 25 triệu lít dầu. Như vậy, trung bình một năm, lượng nhiên liệu cần để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trên toàn quốc là 135.000 triệu lít xăng dầu, và còn tăng đều 10% mỗi năm như dự đoán của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hà. Đây quả là "miếng mồi" quá màu mỡ cho những kẻ có động cơ trục lợi bất chính.

Toàn TP Hà Nội mở rộng, diện tích trên 3.200km2, có hơn 400 cây xăng các loại. Riêng địa bàn Hà Tây (cũ) và các huyện mới sáp nhập tồn tại chừng 150 cửa hàng xăng dầu. Các điểm bán lẻ này hầu hết là đại lý của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần Xăng dầu chất đốt Hà Nội...

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex từng khẳng định, về lý thuyết, hợp đồng thỏa thuận giữa đại lý và nhà cung cấp đều được ký kết với những điều khoản chặt chẽ, với cả những ràng buộc khá kỹ lưỡng để giám sát và ngăn ngừa mầm mống gian lận.

Thế nhưng, trên thực tế, vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội luôn được chính người dân phát hiện và vạch mặt chỉ tên từ lâu. Những sai phạm nghiêm trọng kiểu này đã có tính hệ thống, thách thức pháp luật.

Một cột xăng thuộc cây xăng 436 Trần Khát Chân vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Minh Trí.

Trong bản đồ "các cây xăng xấu ở Hà Nội" thời điểm năm 2006, thành viên diễn đàn Ôtô Sài Gòn đã công bố theo kinh nghiệm thực tế của chính mình, nêu rõ tên tuổi, địa chỉ những cơ sở bị nghi ngờ tiêu cực. Có 3 mức độ diễn đàn này đưa ra để lượng giá đạo đức kinh doanh của đối tượng: cây xăng tốt (ít gian lận, đánh dấu màu xanh), cây xăng trung bình (gian lận trung bình, đánh dấu màu vàng) và cây xăng xấu (gian lận nhiều, dấu màu đỏ).

Mặc dù đã nhấn mạnh: Đây là ý kiến tổng hợp của các thành viên, chỉ mang tính cá nhân, nhưng những tiếng nói phản hồi sau đó, hầu như đều đồng tình với các địa chỉ đã được báo động trên "bảng phong thần".

Ôtô Sài Gòn làm được điều “khuyến cáo các lái xe tham gia diễn đàn nhận biết người tốt kẻ xấu khi mua xăng” vậy mà không hiểu lý do gì, cơ quan thanh tra ở Hà Nội cũng như khắp cả nước, lâu nay thanh tra xong, kết quả cây xăng nào vi phạm, mức độ tốt xấu ra sao không ai biết. Ngay cả cây xăng vi phạm nặng, họ cũng sử dụng như tài liệu mật. Chỉ đến khi Thủ tướng yêu cầu làm rõ, công bố danh tính thì mới đây mới có danh sách hàng loạt cây xăng vi phạm bị liệt kê.

Dù khó bắt quả tang vì không có phương tiện đo chuẩn để định lượng, nhưng nhiều phát hiện của đông đảo người tiêu dùng, hay hàng loạt cuộc điện thoại mà bạn đọc bức xúc qua đường dây nóng Báo CAND đã chỉ đích danh những cây xăng có dấu hiệu gian lận. Điều đó càng chứng tỏ, tiêu cực là hoàn toàn có thật.

Cây xăng Trần Khát Chân (thuộc Công ty cổ phần Xăng dầu chất đốt Hà Nội) bị ngoắc dấu "chất lượng trung bình" trên bản đồ cũng là địa chỉ được cư dân mạng nhắc nhau tránh xa. Trong đợt kiểm tra ngày 19/9 mới đây, cây xăng này bị phát hiện làm sai số cột bơm 0,66%.

Nhiều lái xe có kinh nghiệm của các hãng taxi thường xuyên bám nội thành luôn rỉ tai nhau: cạch mặt cây xăng này, tẩy chay cây xăng kia. Anh Nguyễn Hồng Phong, quê Nam Định, lái xe Hãng taxi Sao Mai làm quen với đường sá Hà Nội chưa bao lâu nhưng đã được đồng nghiệp chỉ cho những cây xăng không nên ghé vào.

"Bản đồ cây xăng xấu ở Hà Nội" cũng là một lưu ý mà nhiều người có điều kiện sở hữu ôtô riêng đã để tâm ghi nhớ. Những ô được đánh dấu đỏ trên bản đồ này tương đối nhiều và trên thực tế, chẳng khác mấy so với cảm nhận của nhiều khách hàng.

Thanh tra bất lực?

Sau hơn hai tháng thanh tra, kiểm tra về chất lượng, đo lường chất lượng xăng dầu của 2.358 điểm kinh doanh, các đoàn liên ngành 48 địa phương đã phát hiện 461 cơ sở vi phạm. Mức sai số kỷ lục lên tới 18%. Thông thường, sai số thiết bị đo ở vào khoảng 5 đến 10%. Thật khủng khiếp khi mua 100 lít xăng, khách hàng bị ăn cắp trắng trợn tới 18 lít.

Thế nhưng kết quả thanh tra, kiểm tra cây xăng tại Hà Nội hầu như không phát hiện vi phạm nào lớn, nói như Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ Trần Minh Dũng là kết quả kiểm tra chỉ mang tính "cò con". Trong danh sách 33 cơ sở xăng dầu vi phạm bị rút giấy phép, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cây xăng dầu nào ở Hà Nội. Tại sao có nghịch lý này? Sự thật không được phát hiện hay bị che đậy?

Thử so sánh hai cuộc thanh tra gần nhất, một do Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ, một do lực lượng QLTT thực hiện. Đoàn của Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ thực hiện ngày 17/9 vừa qua được xem là "bất ngờ kiểm tra" tại Công ty Cơ khí và Xây dựng Viglacera (Đại Mỗ, Từ Liêm), cây xăng dọc đường Láng - Hòa Lạc (xã Đồng Trúc, Thạch Thất) và Công ty TNHH Huy Hà (xã Thạch Hòa - Thạch Thất). Tuy nhiên, đoàn thanh tra không phát hiện hành vi gian lận về dung tích khi chỉ số sai số đo tại chỗ đều dưới hoặc bằng 0,5% - mức cho phép.

Sau đó 2 ngày, Đội QLTT số 14 cũng tiến hành tương tự nhưng kết quả có phần "an ủi" hơn khi danh sách phát hiện vi phạm đánh dấu bằng con số 2 (cửa hàng 436 Trần Khát Chân có 1 vòi bơm xăng A92 sai số lên 0,66%; cửa hàng xăng dầu tại km 9 đường Hồ Tùng Mậu cũng bị phát hiện gian lận, sai số 0,7%). Tuy nhiên, với mức sai số này, đoàn thanh tra cho rằng chỉ vi phạm mức độ nhẹ còn cây xăng vi phạm cũng biện hộ "không thể tránh khỏi".

Trước khi hợp nhất thì Hà Nội cũng tiến hành hàng loạt cuộc thanh tra, con số công bố hồi tháng 7 thì trong gần 100 cây xăng dầu được thanh tra, cũng không nơi nào bị phát hiện vi phạm về đo lường. Duy nhất một cửa hàng bán hàng không đạt tiêu chuẩn như niêm yết. Kết quả tới nay không địa điểm nào bị phát hiện sử dụng các hình thức gian lận công nghệ cao.

Trường hợp sai phạm duy nhất bị phát hiện là tại Trung tâm Kinh doanh dịch vụ xây dựng, do chất lượng xăng A92 tại số 1 Lương Yên (Hà Nội) vào thời điểm kiểm tra không đạt chất lượng theo quy định mà dư luận gọi là "được" phạt 5 triệu đồng.

Ngày 30/9, là người trực tiếp chỉ đạo đợt thanh tra trên toàn quốc về đo lường và chất lượng xăng dầu từ tháng 6 tới nay, ông Trần Minh Dũng thừa nhận với PV Báo CAND: Cách làm của Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội (Do Chi cục QLTT phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ cùng đại diện Công an Hà Nội) tiến hành là chưa có hiệu quả, còn mang tính "cò con".

Ông Dũng cho rằng, để thanh tra đạt kết quả khách quan, trung thực hơn nữa, lực lượng thanh tra phải có "bài", chẳng hạn như dùng cách "đánh" nghi binh (vờ đi kiểm tra địa điểm A nhưng lại bất ngờ ập vào kiểm tra địa điểm B), trinh sát kỹ, nắm rõ tình hình, thông tin cây xăng có vi phạm trước khi "đánh". Thế nhưng tại Hà Nội, các đoàn lần lượt kéo đi rầm rộ với sự tham gia đông đảo thành phần nhưng hầu như trở về... tay không.

Với cách mà các đoàn thanh tra đã, đang tiến hành, dư luận không khỏi ngờ vực những con số được công bố. Có lẽ không đâu như Hà Nội, trước khi thanh tra, kiểm tra, thông tin được loan báo rộng khắp trên phương tiện thông tin đại chúng, rằng sắp "thanh tra diện rộng", "làm rõ gian lận", rồi "xử lý nghiêm", thậm chí còn điện trước cho báo chí biết cùng đi theo đoàn để… chứng kiến!

Thanh tra kiểu "cổ động" này khiến người ta hình dung việc đoàn thanh tra làm chức năng tuyên truyền, vận động hơn là mục đích phát hiện vi phạm, chẳng khác nào giáo vụ kiểm tra phòng thi nhưng lại loan tin trước cho thí sinh biết là giờ X, giờ Y họ sẽ vào kiểm tra phòng thi A, phòng thi B.

Thậm chí, như Chi cục QLTT Hà Nội, mỗi lần ra quân lại loan tin trên báo rằng, sẽ kiểm tra kỹ các nội dung như chất lượng xăng, các hành vi gian lận, tập trung ở... nội đô!

Nhiều độc giả gọi điện đến "đường dây nóng", đặt vấn đề Báo CAND cần làm rõ có hay không tiêu cực, móc nối giữa thương nhân kinh doanh xăng dầu và một số cán bộ chức năng có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại Hà Nội. Tuy nhiên, thực hư như thế nào là vấn đề đòi hỏi có chứng cứ, tài liệu chứng minh, cơ quan chức năng cần làm rõ.

Chị Trần Bích Liên, Công ty Dệt Kim Đông Xuân, Hà Nội: Cả Hà Nội không có cây xăng nào bị rút giấy phép. Tôi không tin vào kết quả của đoàn thanh tra

Tôi không thể tin nổi vì sao các cơ quan chức năng của Hà Nội lực lượng hùng hậu, phương tiện hiện đại mà lần nào kiểm tra cũng trắng tay. Nhiều năm nay, lúc nào đồng hồ báo xăng xe máy ga SCR 110cc của tôi chạm vạch đỏ, tôi thường mua ở cây xăng Trần Khát Chân (Hà Nội) đầy bình hết 65.000đ - 70.000đ (giá 17.000đ - 18.000đ/lít).

Các lần khác, tôi mua xăng ở các đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai hay ở đâu thuộc Hà Nội, giá cũng tương đương như thế cả. Tôi từng đổ xăng trên đường Láng (quận Cầu Giấy), thấy bị hao hụt hơn chỗ cũ, khi tôi phản ứng thì nhân viên ở đây quát "thích thì đổ, không thích thì biến, ở đây thiếu ít như thế là may".

Sau đợt thanh tra vừa qua, vẫn chiếc xe trên, nay tôi mua đầy bình ở cây xăng Trần Khát Chân hay ở nhiều cây xăng khác… chỉ hết khoảng 52.000đ - 55.000đ (giá 17.000đ/lít). Như vậy là, những lần trước, tôi bị mất gần 10.000đ/mỗi lần mua xăng. Vậy mà thanh tra chỉ phát hiện được mỗi cây xăng Trần Khát Chân thì làm sao thuyết phục được những người dân như chúng tôi.

Anh Mạnh Hùng, lái xe taxi: "Có người nói có thương vụ làm ăn đằng sau đó"

Tôi chạy xe nhiều năm ở Hà Nội, tôi biết ít nhất có hơn 10 cây xăng "móc túi" từ 1 đến vài phần trăm. Trong giới lái xe chúng tôi đều biết rõ và tẩy chay những cây xăng này nhưng các đoàn thanh tra, kiểm tra ở Hà Nội chưa bao giờ phát hiện, xử lý vi phạm của họ. Cũng có người nói có các thương vụ làm ăn đằng sau đó nhưng tôi không rõ lắm.

Nhóm PV
.
.
.