Đằng sau "cơn sốt Metro" ở Hải Phòng

Chủ Nhật, 16/10/2005, 07:39
Trung tâm Metro Cash & Carry thứ 5 vừa đưa vào hoạt động tại Hải Phòng từ ngày 6/10 đã tạo nên sức hút bất ngờ. Suốt một tuần qua, tại đây luôn trong tình trạng quá tải, còn người Hải Phòng (chủ yếu là phụ nữ) thì cứ như đang trong “cơn sốt". Ở đâu cũng chỉ nghe chuyện về Metro, gặp ai cũng hỏi xin thẻ Metro. Đến mức, ngay cả giới sở đoản, vốn thờ ơ về nội trợ cũng quyết đến Metro một phen. Song, cứ 10 người như vậy, có đến 7 người chưa được thỏa trí tò mò.

Metro Hải Phòng không nằm ở vị trí trung tâm thành phố, đường vào tuy lớn nhưng là đường cụt (với ôtô). Nhưng khi Metro đi vào hoạt động, khu vực này từ chỗ chẳng mấy ai qua lại nay đã kín đặc những người và xe. Trong sân, phía trước cổng Metro là những dãy người kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đến lượt vào bên trong các gian hàng. Rất nhiều người không đủ bình tĩnh sau nhiều giờ chờ đợi đã vòng ra hai bên hòng chen ngang bằng cách… trèo hàng rào.

Song, tại đây, họ lại phải đụng độ với các nhân viên bảo vệ. Vì vậy, cãi vã, xô xát là chuyện hiển nhiên. Ngay cả những ai may mắn vượt qua 3 vòng thứ tự xếp hàng, chọn được hàng rồi cũng không dễ gì được sớm trả tiền. Nghĩa là cũng phải xếp hàng tuần tự trả tiền. Không ít người do chờ lâu, mệt mỏi và… đói bụng đã quay lại các gian hàng thực phẩm ăn nhanh tha hồ chén xúc xích, thịt nguội; uống thoải mái bia, nước ngọt rồi tìm một chỗ khuất nào đó tựa lưng dưỡng sức chờ vắng vẻ mới ra về.

Không chỉ các bà, các chị quan tâm đến Metro, một loạt đối tượng xấu cũng đã "đọc" ngay đây là cơ hội "làm ăn". Rất nhiều người sau khi ra được vùng "tự do" mới hay rằng, dù chẳng mua hoặc mua ít nhưng túi tiền, điện thoại di động đã không cánh mà bay. Một kiểu thức thời khác, hai bên lề đường là vỉa hè rộng thênh thang chẳng phải của ai (chưa có nhà dân), cứ căng dây thừng ra, cắm thêm cái biển trông xe là tha hồ hái ra tiền: 5.000đ/xe máy, 3.000đ/xe đạp. Thật chẳng buôn bán nào bằng.

Sức hút từ đâu?

Những người phụ trách Metro Hải Phòng cho biết, khả năng của trung tâm chỉ đáp ứng tối đa chừng 4.000 lượt khách mỗi ngày. Song nhu cầu lại quá lớn, ước tính khoảng 30.000 người/ngày thì phục vụ sao xuể. Theo ông Liêu Chí Quang, phụ trách Trung tâm, do nhân viên không thể kiểm soát được nên số lượng hàng hóa bị mất mát khá nhiều. Trung tâm đã nhờ đến sự hỗ trợ của Công an quận Hồng Bàng. Song, thật ngược đời, trong thời buổi kinh tế thị trường, người bán lại ngăn cấm người mua. Nhưng làm thế nào để duy trì sức hấp dẫn của Metro với người dân Hải Phòng mà vẫn bảo đảm kiểm soát được tình hình thì hiện thời Metro chưa nghĩ ra.

Dù gì đi nữa, sự háo hức kéo dài vì Metro là một hiện tượng hiếm có tại thị trường Hải Phòng. Người tiêu dùng có thể thấy rằng, trên 20.000 mặt hàng hiện có tại Trung tâm đều có mặt bằng giá thấp từ vài nghìn đến vài chục nghìn, tùy theo món hàng. Điều quan trọng hơn, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm được cam kết là chính xác và Metro sẽ chịu trách nhiệm về những công bố của mình đã tạo một niềm tin đối với khách hàng Hải Phòng. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn của các nhà sản xuất trong nước. Họ cần thể hiện đẳng cấp, trình độ công nghệ với người tiêu dùng thông qua một trung tâm uy tín như Metro. Do đó, họ sẵn sàng bỏ giá thấp hơn giá bán cho thị trường chung.

Nói như vậy không có nghĩa là sự hiện diện của Metro sẽ là dấu "chấm hết" đối với các siêu thị, trung tâm buôn bán lớn trên địa bàn thành phố. Ngược lại, ông James Scott, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho rằng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các hệ thống bán buôn lớn ở Việt Nam như Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng)… Quan trọng hơn cả là các thương gia trong nước cần phải bừng tỉnh, học cái hay của người, bỏ bớt cái dở của người ta thì mới có cơ hội thực sự trên "sân nhà" đang ngày càng chật hẹp

Minh Lê
.
.
.