Đảm bảo nợ công trong tổng mức được phê duyệt

Thứ Sáu, 04/12/2020, 05:58
Với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỷ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải “gánh” hơn 40 triệu đồng nợ công. 

Câu chuyện nợ công không mới, và ngày càng khiến nhiều người bày tỏ lo ngại vì số nợ tăng dần theo thời gian. 

Theo tính toán của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng, với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỷ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải “gánh” hơn 40 triệu đồng nợ công. Bởi vậy, câu chuyện nợ công trở nên rất nóng với rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra tại lớp tập huấn về nợ công mà Bộ Tài chính tổ chức cho báo chí diễn ra mới đây.

Vốn trong nước khuyến khích, vốn nước ngoài quan trọng

Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 của Chính phủ gửi đến Quốc hội, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỷ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỷ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Sang năm 2021, nợ công theo dự toán lên đến 4 triệu tỷ đồng thì bình quân mỗi người “gánh” hơn 40 triệu đồng nợ công.

Dù con số nợ tuyệt đối tăng lên, song cũng theo Chính phủ, nợ công năm nay ước ở mức 56,8% GDP, dưới trần 65% Quốc hội cho phép. Xét từ mức đỉnh của năm 2016, khi nợ công chiếm 63,7% GDP thì đây là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích lũy của các năm gần đây tạo dư địa cho điều hành, trong khi vẫn đảm bảo chi đầu tư, chi an sinh xã hội. Mặc dù tỷ lệ nợ công trên GDP giảm, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, do Việt Nam thay đổi cách tính GDP nên tỷ lệ nợ công trên chỉ tiêu này giảm xuống.

Việt Nam đang phải trả nợ số tiền vay từ Trung Quốc để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, sang năm 2021, khi áp dụng cách tính GDP mới thì tỷ lệ nợ công sẽ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 45-46% GDP. Thế nhưng, giá trị tuyệt đối của nợ công vẫn đang tăng nhanh và tỷ lệ nợ công trên mức thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Điều này dẫn đến gánh nặng trả nợ hằng năm của Chính phủ và phá vỡ chính sách thu chi của quốc gia.

Lý giải về vấn đề này, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, việc đánh giá GDP ước tỷ lệ ở kinh tế không chính thức, kinh tế ngầm… nhưng chỉ tiêu GDP là tổng thể, phục vụ cho các vấn đề khác của xã hội, chứ không phải để cân đối chỉ tiêu vay nợ công.

“Đánh giá lại GDP được thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Khi GDP đánh giá lại thay đổi, nhiều chỉ tiêu trong các lĩnh vực thay đổi, trong đó có nợ công. GDP tăng 2,3% nên tỷ lệ nợ công giảm không ai bàn cãi. Song, nợ phải trả trên thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 là được đánh giá là sát. Ở Việt Nam, nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã được duy trì và luật hóa: Không quá 25% thu ngân sách. Năm 2016 chỉ 17%, còn năm 2020 trên 24%. Năm 2020, do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam suy giảm từ 6,8% xuống 2-3%, thu ngân sách giảm 190 nghìn tỷ dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trên ngân sách nhà nước tăng lên, nhưng vẫn nằm trong chỉ tiêu”, ông Hiển thông tin.

Ngoài ra, ông Hiển cho biết thêm, với nợ công, trước đây chúng ta đa dạng hóa các hình thức vay, còn bây giờ, xác định khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng vốn, vay trong hạn mức, tổng mức đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt. Nguyên tắc vay là tăng nợ trong nước đi đôi với phát triển thị trường vốn trong nước, đồng thời giảm tỷ lệ nước ngoài: Vốn trong nước khuyến khích, vốn nước ngoài quan trọng!

Vì sao nợ đầu người tăng?

Về câu chuyện nhiều ý kiến lo ngại khi tỷ lệ nợ công tăng cao, mỗi trẻ em sinh ra đều đã gánh nghìn USD tiền nợ, đại diện Cục Quản lý nợ cho biết, trẻ em sinh ra gánh nợ là đương nhiên, vì nước nào trên thế giới cũng đều gánh nợ: Mỹ xấp xỉ 100.000 USD, hay tại Nhật Bàn là “chủ nợ” lớn của Việt Nam, “núi” nợ công của nước này đã cao gấp 2,5 lần quy mô nền kinh tế… Đây là quan hệ vay mượn và có phát sinh vay thì có nợ.

Lý giải thêm, ông Hiển cho biết, trong tổng số nợ công của nước ta hôm nay, có những khoản nợ từ năm 1954, do điều kiện chiến tranh nên phải “treo” lại đấy, không trả được. Đến 1993, khi chúng ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế, các khoản nợ này được đưa ra xử lý tại CLB Paris và Luân đôn. Sau nhiều đàm phán, thỏa thuận, trên 75% là nợ quá hạn đã được các chủ nợ gia hạn trả trong vòng 30 năm, và đến nay chúng ta vẫn chưa trả hết.

“Chúng ta vay vốn ưu đãi ODA gần 100 tỷ USD để đầu tư các công trình kết cấu xã hội sau chiến tranh: Sân bay, cảng biển… hình thành qua các thời kỳ, trừ phần trả nợ đến hạn thì ra khoản nợ còn lại. Sở dĩ số nợ công chia theo đầu người tăng vì ngoài phần nợ cũ trả chưa hết, chúng ta vẫn đang tiếp tục phải vay nợ mới. Thời gian tới, bội chi còn nên vẫn phải vay, nên nợ đầu người sẽ tiếp tục tăng”, ông Hiển giải thích.

Bổ sung thêm, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ cho biết, vấn đề nợ trên đầu người được nói từ 2016. Tuy nhiên, theo ông Long, nợ chia cho GDP phải đặt trong vòng trả nợ. “Ví dụ nợ đến thời điểm này, bình quân là 14 năm cho 1 khoản nợ. Nếu tính thì tổng số nợ phải chia cho 14 năm mới ra con số chính xác, chứ không phải chia hằng năm như bây giờ thì sẽ ra con số trên đầu người là rất lớn”, ông Long nói.

Còn với câu hỏi hiện nay, nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách đang tăng nhanh, Bộ Tài chính đã tính toán đến các phương án đảm bảo để tránh rủi ro? Trả lời câu hỏi này, ông Hiển cho biết, do năm 2020 đặc thù dịch bệnh nên không đánh đồng với các năm khác hay năm sau nữa.

 “COVID khiến 54 quốc gia bị hạ bậc. Các nước này đều tăng vay nợ công để bù đắp thiếu hụt chi tiêu. Còn Việt Nam đã làm được tốt là không tăng vay, mà tự cân đối trong khả năng. Chúng ta chấp nhận tiến sát ngưỡng nợ để không phải vay thêm, không phải đảo nợ. Chúng ta đã giữ được để giữ nguyên hạng tín nhiệm. Còn trong thời gian tới, rủi ro vượt trần có hay không? Điều này phải nhìn nhận theo bản chất của vay nợ, trả nợ là các kịch bản nợ khác nhau để chấp nhận các rủi ro khác nhau. Ví dụ vay dài hạn thì chi phí cao hơn ngắn hạn. Vay nước ngoài chịu rủi ro tỷ giá; vay trong nước ảnh hưởng đến dòng tiền, lãi suất. Các kịch bản khác nhau thì chấp nhận rủi ro khác nhau. Mục tiêu quản lý nợ là tạo ra danh mục nợ tối ưu với chi phí hợp lý”- ông Hiển nói.

Hà An
.
.
.