Đảm bảo công bằng, bình đẳng và minh bạch trong quản lý thuế

Thứ Hai, 09/11/2020, 19:45
Chiều 9/11, Tổng cục Thuế đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về những nội dung mới của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5-11-2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết. Đây là vấn đề được đông đảo cộng đồng DN quan tâm và đang được Quốc hội bàn thảo tại nghị trường.

Giữ trần chi phí lãi vay 30%, mở rộng đối tượng loại trừ

Tại cuộc họp báo, Tổng cục Thuế cho biết điểm mới của Nghị định số 132 là không có Thông tư hướng dẫn như Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. “Để đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong triển khai thực hiện cũng như nâng cao tính pháp lý, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, xây dựng để chuyển các nội dung hướng dẫn tại Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định lên Nghị định”, ông Đặng Ngọc Minh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết. 

Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết một số điểm mới của Nghị định 132 là kế thừa quy định nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay. Cùng với đó, mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay gồm các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Chống chuyển giá để tăng thu ngân sách

Ngay từ khi Nghị định 20 ra đời với trần chi phí lãi vay ở mức 20%, đã gặp phải nhiều phản ứng của DN trong nước. Vì thế, việc nâng trần chi phí lãi vay lên 30% nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều băn khoăn xung quanh Nghị định 132 mà nhiều DN đặt ra, ví dụ như có ý kiến cho rằng việc chống chuyển giá thường chỉ dành cho những DN có yếu tố nước ngoài, còn DN trong nước ít có cơ hội chuyển giá, chưa kể những DN nước ngoài đã phát triển hàng trăm năm, tiềm lực rất mạnh, trong khi DN trong nước mới phát triển trong chưa đầy vài chục năm gần đây, vốn mỏng, vậy nếu “cào bằng” quy định, có gây áp lực đối với DN trong nước, có tính đến việc đánh mất động lực phát triển của DN trong nước? Trả lời câu hỏi này, ông Minh cho biết  đây là Nghị định về giao dịch liên kết, nên không có phân biệt DN nước ngoài hay trong nước. 

“Đây là 1 nguyên tắc công bằng, bình đẳng và minh bạch trong xây dựng chính sách thuế phải đảm bảo. Chuyển giá quốc tế là 1 xu hướng, nhưng ngay cả trong nước, việc có giao dịch liên kết cũng phải áp dụng chung. Hiện nay, DN trong nước đầu tư ra nước ngoài nhiều. Khi đã đầu ra nước ngoài thì các DN trong nước cũng phải tuân thủ”, ông Minh phân tích.

Các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá lẫn nhau

Vậy, khi ra đời đã kế thừa, bổ sung khuyết điểm của 2 nghị định trước, liệu Nghị định 132 có khắc phục được các hạn chế cũ không, có để lọt những vi phạm về chuyển giá đã từng xảy ra như với những trường hợp chuyển giá nổi đình đám như Cocacola không, có chống được thất thu ngân sách hay không? Đại diện Tổng cục Thuế cho biết việc ban hành Nghị định 132 sẽ tăng cường trách nhiệm kê khai của DN, tăng cường trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế, nên sẽ tăng hiệu quả thu ngân sách. 

Số liệu Tổng cục Thuế cho biết hiện DN có kê khai giao dịch liên kết  tính đến cuối 2019 là khoảng 16.500, trong đó, số DN kê khai có phát sinh giao dịch liên kết khoảng 8.000. Qua tiến hành thanh tra, kiểm tra, số thuế truy thu của các năm 2017 – 2019 xoay quanh con số 2.000 tỷ đồng, ngoài ra cũng giảm lỗ rất lớn, riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng. Năm 2020, 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 DN, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng; trong đó có 177 DN FDI, số thuế truy thu các DN này khoảng 442 tỷ đồng.

Cho biết thêm về tình trạng giao dịch liên kết của các DN trong nước, ông Minh thông tin hiện nay thực tế bản thân các DN trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau, vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực trong khi một tập đoàn trong nước hiện nay cũng đa nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ DN, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì DN vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ. 

Chưa kể, nhiều DN trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh đối với các đối tượng DN này. “Tình trạng là DN Việt vốn ít. Một tập đoàn có thể thành lập hàng trăm công ty nhưng vốn rất mỏng. Vì thế, phải áp chi phí lãi vay có trần để đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, đối xử công bằng giữa DN trong và ngoài nước. Ngoài ra, do bản chất DN trong nước thành lập nhiều DN, nhưng sử dụng vốn thông qua kênh từ trợ là vốn vay nên gây rủi ro hệ thống, nên việc áp trần là để lành mạnh hóa, tránh rủi ro hệ thống”, ông Minh nói.

Hà An
.
.
.