Đảm bảo an toàn hệ thống, phục vụ tốt nhu cầu vốn của người dân

Thứ Tư, 16/05/2018, 07:21
Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền), nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).

Ưu tiên an toàn hệ thống

Cụ thể, trong các kiến nghị cử tri gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nội dung được tập trung nhiều hơn cả là về mức bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng. Cử tri các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu đều cho rằng mức bảo hiểm cào bằng cho các khoản tối đa 75 triệu đồng là không hợp lý và cần có sự thay đổi.

Trả lời kiến nghị này, NHNN cho biết, ngày 15-6-2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Việc quy định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg được xem xét trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Sẽ điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép.

Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền), nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).

Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. ”Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại thời điểm tháng 6-2016). Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế”, NHNN khẳng định.

Về đề xuất nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng, NHNN cho biết muốn thực hiện thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng (TCTD), ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống TCTD và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

NHNN sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép.

NHNN cũng thông tin thêm: Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Khoản 1, Điều 101, Luật Phá sản. ”Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các TCTD đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Quan điểm này cũng đã được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD vừa được Quốc hội thông qua”, NHNN thông tin.

Tăng cường thanh tra, kiểm toán phòng ngừa tội phạm

Một câu hỏi khác, liên quan đến việc trong những năm gần đây liên tục có những vụ đại án liên quan đến ngân hàng khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước, gây nên hệ lụy nghiêm trọng.

Cử tri thắc mắc, công tác kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng lâu nay thực hiện như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy? Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và cần có biện pháp thu hồi lại số tiền đã thất thoát.

Về vấn đề này, NHNN khẳng định luôn xác định công tác thanh tra, giám sát ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và yếu kém của TCTD, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, giữ vững sự an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD.

Qua công tác thanh tra, giám sát và thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất. Một số ngân hàng chạy theo tối đa hóa lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật, quy định của ngành.

Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách quản lý chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn phát triển hoạt động tiền tệ ngân hàng. Mở rộng hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ phát triển làm xuất hiện thêm nhiều loại hình tội phạm mới ngày càng tinh vi, phức tạp.

Nguyên nhân chủ quan là năng lực và trình độ quản lý điều hành của một số NHTM còn yếu kém; công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát nội bộ còn yếu nên chậm phát hiện vụ việc để xảy ra những tồn tại vi phạm; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khắc phục, chỉnh sửa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số TCTD còn kéo dài, chưa đúng tiến độ; chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao nên chưa phát huy được vai trò trong việc phát hiện, đánh giá, cảnh báo các tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống TCTD...

Để khắc phục, chấn chỉnh và chủ động đối phó với các loại sai phạm, tội phạm trong ngành Ngân hàng, NHNN đã và đang chủ động thực hiện hàng loạt các giải pháp. NHNN tin tưởng rằng thời gian tới, hoạt động tiền tệ, ngân hàng sẽ trở nên an toàn và lành mạnh hơn nữa, góp phần giữ vững an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội“

Lệ Thúy
.
.
.