Đắk Lắk: Hàng tỷ đồng lạm thu có nguy cơ "bốc hơi"

Thứ Tư, 10/05/2006, 08:01

Tiền đóng góp của dân lên đến 3,6 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị công trình chỉ 2,4 tỷ đồng. Sau gần 10 năm, số tiền lạm thu này vẫn chưa được trả lại cho người đóng góp.

Năm 1995, UBND tỉnh Đắk Lắk có chủ trương cho phép xây dựng lưới điện xã Bình Thuận (huyện Krông Búk), nguồn vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp. Sau 3 năm, điện vẫn chưa thấy đâu, nhân dân thắc mắc thì được Ban Quản lý giải thích là do một số hộ dân chưa đóng tiền. Nhân dân tiếp tục gõ cửa các cấp, Thanh tra huyện vào cuộc mọi người mới vỡ lẽ rằng: Tiền đóng góp của dân lên đến 3,6 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị công trình chỉ 2,4 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, số tiền bị lạm thu vẫn chưa được thu hồi.

Tuyến đường điện nêu trên có độ dài 7km, hoàn toàn do dân góp vốn xây dựng, xã đứng ra làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây lắp điện Long Vân nhận thi công. Sau 2 tháng thi công, xã Bình Thuận và Công ty Long Vân lại đưa ra thỏa thuận mới: Chuyển công trình từ hình thức nhân dân đóng góp sang hình thức đầu tư xây dựng, đồng thời chuyển chủ đầu tư công trình từ UBND xã sang Công ty Long Vân. Với cách làm nhập nhèm như trên, Công ty Long Vân - đơn vị thi công (bên B), lại nghiễm nhiên đồng thời là chủ đầu tư (bên A).

Với tư cách người quản lý vốn, Công ty Long Vân giao khoán cho 1 tư nhân là ông Cao Văn Phạn thu tiền đóng góp của dân ở khu vực thôn Bình Hòa thông qua việc đứng ra ký kết hợp đồng với các hộ dân. Ông Phạn đã giở đủ mọi chiêu thức để vơ vét tiền bạc. Người dân biết nhưng vẫn phải nhắm mắt đóng tiền vì "khát điện". Số tiền 1,2 tỷ đồng thu dôi ra đấy được coi là "lãi của việc xây dựng công trình", trong đó, Công ty Long Vân chiếm dụng 525 triệu đồng, Ông Cao Văn Phạn chiếm dụng 506 triệu đồng và UBND xã, Ban Quản lý điện cùng một số cán bộ xã chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích tổng số trên 170 triệu đồng. Khi nhân dân đi khiếu kiện thì các bên liên quan có động thái trù dập, đe dọa hành hung.

Kết luận số 13/KL-TTr do Chánh Thanh tra tỉnh ký ngày 25/12/2002 đã chỉ rõ sai phạm của các bên và kiến nghị xử lý: "Thu hồi số tiền 1.203.315.500đ nhân dân đóng góp để xây dựng lưới điện xã Bình Thuận nhiều hơn giá trị công trình hiện còn tại các đơn vị cá nhân nộp vào tài khoản ngân sách xã Bình Thuận để trả lại cho dân”. Nhân dân xã Bình Thuận khấp khởi mừng thầm nhưng càng trông chờ càng vô vọng, tiền không có, chỉ có những lới hứa loanh quanh.

Chúng tôi về thôn Bình Hòa để tìm hiểu vụ việc thì được biết: Trong số tiền 1,2 tỷ đồng đó đến nay mới thu hồi được một phần rất nhỏ là 272 triệu đồng (số tiền này hiện xã đang mượn để mua đất xây trường học!), còn lại chưa thu được. Theo Báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của UBND huyện Krông Búk ngày 10/8/2004 thì lý do không thu hồi được là: Công ty Long Vân hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính(!) nên chưa thể nộp số tiền còn lại. Số tiền còn lại ông Cao Văn Phạn chưa thu hồi được do ông Phạn đang kiện Công ty Long Vân ra TAND TP Buôn Ma Thuột. Số tiền ở xã chưa thu hồi được do xã ứng vào mục đích đắp đập cho nhân dân. Một số cá nhân khác trong Ban Quản lý điện do kinh tế gia đình khó khăn nên chưa thu hồi được

Làm việc với chúng tôi vào chiều 17/4, Bí thư Chi bộ xã Bình Thuận, ông Phạm Văn Quế cho rằng: Nhân dân bức xúc là đúng nhưng xã cũng chẳng biết làm sao vì các bên đều khó khăn chưa trả được! Xã cũng đã làm tờ trình gửi lên huyện, lên tỉnh và đang chờ. Ông Quế đưa ra giải pháp là: Thi công xong đường điện ở buôn Zut, buôn Bon (dự án này do UBND huyện đứng chủ, đã thi công xong nhưng chưa bàn giao cho dân), lấy tiền dư từ bên đó bù vào. Còn kiện cáo giữa ông Phạn và Công ty Long Vân thì phải chờ tòa án. Trong khi đó, ông Phạn trả lời rằng: Cứ để tòa giải quyết. Ông Phạn cho biết là đã làm đơn kiện lên tòa từ lâu lắm nhưng 2, 3 năm nay tòa cũng chẳng gọi lên nữa. Nhân dân địa phương cho rằng: Đấy là đòn trì hoãn của ông Phạn cũng như các bên liên quan

Tuấn Thiện
.
.
.