Đại gia Hoàng Kiều thâu tóm đất công tại Tiền Giang như thế nào?

Chủ Nhật, 23/05/2010, 15:30
Theo điều tra của PV Chuyên đề ANTG, ngay từ năm 2006, ông Hoàng Kiều đã dòm ngó đến các khu đất vàng tại TP Mỹ Tho. Với một kế hoạch hoàn hảo, ông Hoàng Kiều đã dần thôn tính toàn bộ Công ty Du lịch Tiền Giang.
>> Đình chỉ công trình không phép của tỷ phú Hoàng Kiều

Ngay từ đầu năm 2005, Công ty Du lịch Tiền Giang đã bắt tay vào thực hiện chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp. Lúc này, có 29% vốn cổ phần được bán ưu đãi dành cho người lao động trong công ty và 20% vốn cổ phần được mang ra bán đấu giá công khai. Trong số 6 nhà đầu tư tham gia phiên đấu thầu vào năm 2005, có đến 3 đơn vị trúng thầu ở các mức giá và khối lượng cổ phần nắm giữ khác nhau. Sau phiên đấu thầu này, số cổ phần nhà nước còn lại trong Công ty Du lịch Tiền Giang là 51% theo đúng quy định cổ phần hóa.      

Theo quy định này, dựa trên danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước thì Công ty Du lịch Tiền Giang không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ trên 50% tổng số vốn cổ phần.

Ngày 20/7/2006, UBND tỉnh quyết định tiếp tục bán đấu giá 21% cổ phần  của Công ty Du lịch Tiền Giang. Có điều bất thường tại cuộc đấu giá trên là một công ty dầu khí ở tỉnh nọ trúng với giá 60.100 đồng/cổ phần đã... bỏ của chạy lấy người, vứt luôn cả tiền đặt cọc. Sau đó, tỉnh Tiền Giang được tiến hành cho đấu giá lại vào ngày 3/8/2006.

Ở lần đấu giá lại này, đại gia Hoàng Kiều chính thức nhảy vào cuộc chơi. Cũng từ đây, ông Hoàng Kiều đã vạch cho mình một kế hoạch thâu tóm Công ty Du lịch Tiền Giang đúng nghĩa. Bởi đơn giản, Công ty Du lịch Tiền Giang là đơn vị đang nắm giữ những mảnh đất vàng tại TP Mỹ Tho. Theo thông tin chúng tôi có được thì trong đợt đấu giá này, ông Hoàng Kiều ôm trọn 147.000 cổ phần với giá 45.200 đồng/cổ phần. Cái giá thấp hơn rất nhiều so với giá mà công ty dầu khí kia đã... bỏ của chạy lấy người(!).

Khu du lịch Thới Sơn do Công ty du lịch Tiền Giang quản lý.

Tiếp đến, trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008, một nhân vật khác nữa, âm thầm từng bước gom lại  số cổ phần mà Công ty Du lịch Tiền Giang đã bán ra trước đó vào năm 2005. Nhà đầu tư bí ẩn này sau đó đã được xác định là bà  Đào Thị Lan Phương, con dâu của ông Hoàng Kiều. Sau một thời gian không lâu, bà Phương đã "cóp nhặt" được 34% số cổ phần ưu đãi đã bán ra ở đợt đầu tiên. Riêng đại gia Hoàng Kiều cũng mua thêm 9% cổ phần từ các thành viên khác. Tổng số cổ phần tạm tính đến cuối năm 2008, hai cha con ông Hoàng Kiều đã có trong tay 64% cổ phần toàn công ty.

Sau kế hoạch thâu tóm đợt 1 của gia đình ông Hoàng Kiều đã khiến Công ty Du lịch Tiền Giang chỉ còn vỏn vẹn đúng 30% vốn cổ phần do Nhà nước quản lý. Đến tháng 5/2007, UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện việc chuyển giao phần vốn Nhà nước tại một số công ty cổ phần (được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước) trên địa bàn tỉnh về cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang quản lý. Và Công ty Du lịch Tiền Giang cũng nằm trong số các công ty cổ phần  từ doanh nghiệp nhà nước cần phải giao cho SCIC quản lý.

Trở lại với kế hoạch thôn tính toàn bộ Công ty Du lịch Tiền Giang của đại gia Hoàng Kiều, bằng chiêu thức "chiếm từng giai đoạn tiến đến... chiếm trọn vẹn" đến ngày 10/3/2009, gia đình ông Hoàng Kiều nắm giữ gần 100% vốn cổ phần trong Công ty Du lịch Tiền Giang (theo lời của ông Trần Thanh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tiền Giang khi trao đổi với chúng tôi thì gia đình ông Hoàng Kiều chiếm giữ khoảng 96% số cổ phần tại công ty này, 4% cổ phần còn lại nằm... vương vãi ở đâu đó. Có thể là trong tay của một số cán bộ, công nhân viên trực thuộc Công ty Du lịch này - PV). Kế hoạch thôn tính Công ty Du lịch Tiền Giang của đại gia Hoàng Kiều sẽ rất trọn vẹn, nếu như không có "sự cố" trong phiên đầu giá lần thứ 3 của Công ty Du lịch Tiền Giang với 30% vốn cổ phần.

Ông Trần Thanh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang cho biết, ngày 19/1/2009, SCIC có quyết định cho bán nốt số cổ phần còn lại Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến trích lục các quyết định trên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang thì vị đại diện của Sở này cho hay, Sở không còn quản lý Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang từ năm 2009.

Thế nhưng, có một thực tế, ngày 22/5/2009, ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC mới ban hành công văn cho rằng: "Thông tin về kế hoạch bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và dự thảo Quy chế phối hợp". Từ đây đã lộ diện danh sách đính kèm 12 công ty do SCIC trực tiếp quản lý vốn và Công ty Du lịch Tiền Giang cũng nằm trong danh sách này. Đáng ngạc nhiên, Công ty Du lịch Tiền Giang đã được đưa ra "mần thịt" 30% vốn cổ phần còn lại vài tháng trước khi SCIC ban hành quyết định trên (?).

Cũng từ đây, dư luận đặt ra một câu hỏi, việc bán cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang có phải là sự sắp đặt sẵn của một số cá nhân và với mục đích gì cần phải làm rõ. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đến tháng 6/2009, SCIC mới tiếp tục bán hết phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Lạ một điều, trước đó, 30% số cổ phần còn lại của Công ty Du lịch Tiền Giang đã được mang ra đấu giá.

Một góc cù lao Thới Sơn.

Trở lại thời điểm đầu năm 2009, theo phân tích về thị trường chứng khoán của các chuyên gia, nền kinh tế trong nước vẫn chưa thực sự thoát khỏi sự ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bản phân tích về tình hình hoạt động của Công ty Du lịch Tiền Giang trước khi được đem ra đấu giá 30% cổ phần còn lại, thời điểm này công ty hoạt động vẫn kinh doanh có lãi. Cụ thể, đến cuối năm 2008, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty đạt mức hơn 2 tỉ đồng và tỉ lệ cổ tức ở mức 14%. Lúc này, thị trường chứng khoán trong nước nói chung hay chỉ số VN-Index nói riêng vẫn chỉ ở mốc 300 điểm. Đây thực sự là một bất lợi cho việc bán cổ phần của Công ty Du lịch Tiền Giang.

Bất ngờ nhất, trong phiên đấu giá ngày hôm ấy, có đến 8 nhà thầu cùng tham gia đấu thầu với mức giá khởi điểm là 31.000 đồng/cổ phần. Có hay không một sự sắp đặt sẵn khi 7 nhà thầu khác cùng đặt mức giá khởi điểm là 31.000 đồng/cổ phần (?!). Để rồi, chính Hoàng Sammy Hùng, con trai đại gia Hoàng Kiều đã "ôm" luôn 30% cổ phần còn lại của Công ty Du lịch Tiền Giang một cách... rất “oanh liệt” với mức giá 36.000 đồng/cổ phần. Đến lúc này, khi dư luận dấy lên một sự ngờ vực đằng sau kế hoạch thôn tính một công ty nhà nước bằng cái giá rẻ mạt của đại gia Hoàng Kiều  thì người ta lại viện dẫn ra những điều luật để tranh cãi.

Để thanh minh cho sự minh bạch qua các lần đấu giá cổ phần của Công ty Du lịch Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng tỉnh Tiền Giang trả lời với giới truyền thông rằng, việc đấu giá lần 3, SCIC có thông báo kế hoạch bán phần vốn nhà nước tại công ty và có thông báo trên báo Ấp Bắc. Câu trả lời của vị đại diện tỉnh Tiền Giang chưa thực sự thỏa đáng. Điều này cũng đã thể hiện một phần vi phạm trong quy tắc công khai minh bạch của việc đấu thầu cổ phần. Theo quy định, kế hoạch đấu thầu phải được công khai trên 3 số báo liên tục của một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương.

Cũng từ sau khi phi vụ đấu giá cổ phần mang lại kết quả thuận lợi cho đại gia Hoàng Kiều, dư luận trên địa bàn tỉnh đặt nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh việc thâu tóm Công ty Du lịch Tiền Giang, mà trực tiếp là có thể sử dụng các cụm bất động sản trên địa bàn tỉnh với giá... rất bèo.

Công trình xây dựng để tổ chức sự kiện Hoa hậu thế giới 2010.

Tạm gác qua chuyện cổ phần cổ phiếu ấy, chỉ biết sau khi thôn tính gần như trọn vẹn Công ty Du lịch Tiền Giang, thì đại gia Hoàng Kiều có thể ung dung sử dụng hơn 10 lô đất nằm ở những vị trí đắc địa của tỉnh Tiền Giang. Vì những lô đất này  đều nằm trong tầm quản lý của Công ty Du lịch Tiền Giang.

Nếu như, cuộc thi Hoa hậu thế giới sẽ được chính thức tổ chức tại TP Mỹ Tho, hay những "mỹ nữ chân dài" thế giới tung tăng dạo quanh các con phố của vùng sông nước này, chắc hẳn, ông Hoàng Kiều sẽ nở nụ cười mãn nguyện trước sự thành công với một phi vụ thâu tóm đất công  ngoạn mục của mình.

Nhưng, điều may mắn cho... dư luận và là điều đáng tiếc cho ông Hoàng Kiều là cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 không được trọn vẹn theo như dự tính ban đầu của đại gia hoa hậu này. Rất hào sảng, ông Hoàng Kiều bỏ luôn cái vụ hoa hậu, mà bấy lâu nay, chính nhờ nó ông trở thành người... nổi tiếng tại Việt Nam.

Cho đến tháng 5/2010, khi báo giới lên tiếng về phi vụ thôn tính công ty nhà nước của đại gia Hoàng Kiều, thì dư luận mới thấy hết được sự thật mai mỉa đằng sau... nụ cười của chân dài quốc tế(!).

Trao đổi chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền Hội luật gia TP HCM cho rằng cần phải làm rõ các vấn đề mà thông tin dư luận nêu trong thời gian qua.

Theo đó, việc đấu giá công ty du lịch Tiền Giang có thực sự được tổ chức công khai, minh bạch theo đúng quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật về đấu giá tài sản khi bán cổ phiếu ra bên ngoài hay không? Việc cấp và giao đất trên địa bàn có đúng quy định của luật đất đai hay không? Ngoài ra việc định giá các công trình xây dựng sử dụng vốn nhằm mục đích sinh lời có nhiều dấu hiệu không làm đúng các quy định của pháp luật.

Luật sư Hậu nhấn mạnh, sự việc này cần phải làm rõ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận.

Trả lời trước báo giới xung quanh câu chuyện thâu tóm Công ty Du lịch Tiền Giang liệu có liên quan gì đến cuộc thi Hoa hậu thế giới, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho hay:

Ông Hoàng Kiều đã mua cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang và đang đầu tư Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tại cù lao Thới Sơn. Do đó, khi ông Hoàng Kiều đề nghị xin chuyển địa điểm tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 từ tỉnh Khánh Hòa về Tiền Giang. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang nhận thấy phù hợp vì những lý do:

- Ông Hoàng Kiều đã có sẵn cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới tại Tiền Giang.

- Qua cuộc thi Hoa hậu thế giới tại Tiền Giang sẽ giới thiệu quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang.

Nên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chấp thuận và đã trình Chính phủ xin cho Tiền Giang được đăng cai tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 tại Tiền Giang.

Nhưng sau đó, được biết UNBD tỉnh Khánh Hòa không đồng thuận, trong lúc này Chính phủ cũng chưa có ý kiến nên UBND tỉnh Tiền Giang cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã chủ động đăng ký gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch để Tiền Giang xin rút đơn không đăng cai, để tỉnh Khánh Hòa đăng cai tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới theo kế hoạch và tỉnh Tiền Giang cũng xin Bộ và Chính phủ cho phép được đăng cai tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới vào năm 2011 hoặc năm 2012.

Kinh Hữu - Đỗ Hưng (An ninh thế giới số 960)
.
.
.