Dai dẳng... ô nhiễm môi trường

Thứ Tư, 12/03/2008, 12:36
Quảng Trị là tỉnh nghèo, muốn thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong khi các nhà đầu tư lợi dụng chính sách này, mà không hề quan tâm đến môi trường để triển khai dự án với mục đích lợi nhuận là trên hết. Thành ra, chuyện môi trường cứ thế bị thả nổi, hàng chục vạn con người phải gánh chịu từng ngày...

Chỉ tay là... khu công nghiệp(!)

Quảng Trị là tỉnh thuần nông, có tới 78% dân số làm nông nghiệp. Để "bằng anh bằng chị", những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm thay đổi nền kinh tế tỉnh nhà, trong đó có chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Thế rồi, cũng như bao tỉnh khác, Quảng Trị bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, đã xây dựng nên các khu công nghiệp, cảng biển...

Nói chung là đủ hết, chỉ thiếu sân bay! Có điều, việc xây dựng trên chẳng khác nào anh nông dân vác cuốc đi khai hoang đất, chỗ nào thích thì đào bới, chỉ khác, lãnh đạo tỉnh, rồi ngành chức năng liên quan chẳng cần phải đào bới như anh nông dân kia, mà chỉ cần chỉ tay là thành ngay những khu công nghiệp và cảng biển(!).

Hậu quả khôn lường

Nói là chỉ tay, bởi vì khi bắt tay xây dựng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính quyền tỉnh, ngành chức năng liên quan không hề xem xét thấu đáo yếu tố môi trường. Đơn cử, khu công nghiệp Nam Đông Hà, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hải Lăng, Hướng Hóa chỉ là những bãi mặt bằng rộng, mà không có khu vực chứa nước thải, rồi khi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy cũng không cần phải đánh giá tác động môi trường (có chăng thì nằm trên giấy).

Hậu quả, mỗi ngày, các cơ sở sản xuất cứ thản nhiên thải ra sông suối, khu vực dân cư xung quanh một lượng nước thải khổng lồ, kèm theo hoá chất độc hại. Thực trạng này khiến người dân liên tục lên tiếng phản đối và khi đó người ta mới xem xét đến yếu tố môi trường(!). Song lúc này, mọi chuyện dường như đã quá phức tạp!

Ngày 19/2/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã đi kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất và việc bảo vệ môi trường của các Nhà máy Gỗ ván Geruco MDF Quảng Trị tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Focosev và Nhà máy Giấy Hasinato tại huyện Hải Lăng.

Mấy năm trước đây, các nhà máy trên đã nhiều lần làm cho người dân lao đao vì nguồn nước thải nhà máy của họ. Còn hiện tại, hệ thống xử lý môi trường của cả ba nhà máy này như ba chiếc thùng thủng đáy và người dân cứ phải dè chừng tai họa!

Riêng Nhà máy Hasinato thì nước thải đổ xuống cát. Các ban, ngành chức năng huyện Hải Lăng bây giờ cứ đoán già đoán non là nguồn nước thải cùng với hoá chất xử lý giấy của nhà máy này đã chảy ra hồ sinh thái ở gần trước mặt trụ sở UBND huyện này.

Nói chung chẳng ai biết nó thấm và chảy đi đâu! Mức độ ô nhiễm độc hại của nó vượt xa nguồn nước thải Nhà máy Tinh bột sắn Hải Lăng, nhưng cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương chẳng ai quan tâm...  

Còn trên địa bàn huyện Hướng Hoá, lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện này cho biết, phần lớn các nhà máy sản xuất chế biến cà phê đã có thâm niên hành nghề trên dưới mười năm, thậm chí đã hoạt động hàng chục năm nay nhưng chỉ có một nhà máy được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, số còn lại đều xả thẳng ra sông suối tự nhiên.

Điển hình nhất phải kể đến ba nhà máy của ba doanh nghiệp, gồm Công ty Cà phê Đường 9, Công ty Thương mại Thái Hoà và Công ty Cà phê Công Chính. Mỗi ngày, nhà máy này thải ra khe suối hàng nghìn m3 nước thải. Hậu quả, các khe suối, dòng sông và nhiều khu dân cư trên địa bàn Hướng Hoá bị ô nhiễm nặng...

Hàng chục vạn dân đang chờ...

Trở lại việc kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất và việc bảo vệ môi trường của các nhà máy trên địa bàn Quảng Trị của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường, ngày 26/2 vừa qua, tỉnh này đã ra thông báo hạn đến ngày 10/3/2008, nếu các nhà máy trên không xử lý môi trường dứt điểm và không xây dựng được hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn, thì tỉnh sẽ cho đóng cửa, cấm hoạt động.

Hàng chục vạn người dân Quảng Trị đang trông chờ vào quyết định của tỉnh; tuy nhiên, trên thực tế liệu phương án đó sẽ thành hiện thực lại là một câu chuyện khác, bởi hàng chục năm nay, cứ sau mỗi lần Phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh kiểm tra thì các nhà máy gây ô nhiễm môi trường cũng chỉ bị phạt hành chính vài triệu đồng!

Còn bây giờ, chỉ trong vòng nửa tháng thì e rằng các nhà máy trên có chắp cánh cũng bay không kịp! Công bằng mà nói, từ khi lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Trị tham gia vào việc xử lý vấn nạn môi trường, việc chây lỳ của các doanh nghiệp, cũng như việc phạt lấy lệ của các đơn vị chức năng đã thuyên giảm đáng kể.

Hy vọng rằng, chuyện ô nhiễm môi trường ở Quảng Trị sẽ không còn là câu chuyện gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo và không gây nên tình trạng "sống mòn" cho hàng chục vạn con người nơi đây

Phan Thanh Bình
.
.
.