Đại công trường đóng tàu không thể hạ thủy

Thứ Ba, 02/12/2008, 10:47
Cảnh tượng im lìm, vắng vẻ, không công nhân, không tiếng máy, tiếng xe là khung cảnh chung tại hầu hết các DN nằm trong Cụm công nghiệp tổ 13 tại thị trấn Xuân Trường (Nam Định). Hàng trăm con tàu lớn nhỏ, chiếc thì đang được hoàn thiện, chiếc thì dở dang vẫn đang nằm phơi mình trên bãi...

Cách đây vài ba năm, ngành công nghiệp đóng tàu tại Nam Định có những bước phát triển rất mạnh và trở thành một trong những trung tâm có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển nhất miền Bắc.

Đặc biệt 2006-2007 là giai đoạn bùng phát mạnh mẽ nhất, hàng loạt các doanh nghiệp (DN) đóng tàu ra đời. Rầm rộ nhất là tại Xuân Trường với 30 doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy, 32 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tàu thủy nằm dọc trên tuyến sông Ninh Cơ và sông Hồng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, không có quy hoạch nên đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đìu hiu các xưởng đóng tàu

Đi dọc theo quốc lộ 21, dừng chân trên cầu Lạc Quần phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy ven sông Ninh vẫn như một đại công trường đóng tàu. Hàng trăm con tàu lớn nhỏ, chiếc thì đang được hoàn thiện, chiếc thì dở dang vẫn đang nằm phơi mình trên bãi. Tuy nhiên, chỉ khi đến gần mới thấy, đa số các con tàu đó đã nằm ở đây từ rất lâu và không biết bao giờ mới được hoàn thiện để hạ thủy.

Cảnh tượng im lìm, vắng vẻ, không công nhân, không tiếng máy, tiếng xe là khung cảnh chung tại hầu hết các DN nằm trong Cụm công nghiệp tổ 13 tại thị trấn Xuân Trường. Không chỉ riêng tại đây, mà gần như tại các DN, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thủy nằm rải rác trên địa bàn huyện Xuân Trường đều có chung tình trạng như thế.

Theo con số thống kê của Phòng Công thương huyện Xuân Trường, trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã dành 310ha mặt bằng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu tại địa phương. Trong đó các cụm công nghiệp ven sông Ninh, như cụm công nghiệp tại thị trấn Xuân Trường, cụm công nghiệp Xuân Tân, Xuân Thành chẳng mấy chốc đã được lấp đầy.

Vào thời điểm phát triển mạnh nhất là trong năm 2006, các DN đóng tàu tại đây đã phải sử dụng đến 3.600 lao động làm việc. Đó là chưa kể đến hàng nghìn lao động thời vụ tại địa phương cũng thường xuyên có công ăn việc làm.

Tuy nhiên đến nay, nhiều DN gần như đã ngừng hoạt động. Một số thì cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng. Ảnh hưởng đến gần 60% lao động. Nếu trước kia sử dụng đến 3.600 lao động thì hiện nay trên 2.000 lao động tại địa phương đang không có việc làm. Ông Ngô Doãn Thọ, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Xuân Trường cho biết, tình trạng này xuất hiện từ đầu năm 2008 đến nay.

Nguyên nhân là do bước sang năm 2008, Nhà nước thắt chặt nguồn tín dụng cho vay để kiềm chế lạm phát, trong khi các DN đang sử dụng một lượng lớn tiền vay từ các ngân hàng để phục vụ sản xuất, dẫn đến tình trạng các DN thiếu trầm trọng vốn.

Và cũng từ việc ngân hàng không cho vay vốn nên các chủ tàu cũng thiếu vốn. Nhiều con tàu đang đóng dở, đành để nằm phơi trên bãi. Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu, trong đó có mặt hàng thép tăng cũng là một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trên.

Một con tàu 3.000 tấn trước đây với mức giá đóng là xấp xỉ 20 tỷ, bước sang năm 2008 giá đã đội lên đến 25 tỷ. Lúc ký hợp đồng vào thời điểm giá thấp, nhưng làm lại vào thời kỳ giá cao.

Đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định dừng việc xuất khẩu than tiểu ngạch tại Quảng Ninh thì các DN lại khó khăn hơn, vì nguồn tàu đóng tại đây càng ít có đầu ra.

Công ty TNHH Hoàng Thọ Đúc được thành lập từ 2002 đến nay. Là một trong những DN hoạt động hiệu quả nhất. Vào giai đoạn 2006-2007, DN đã sử dụng đến hơn 100 công nhân, cùng không ít lao động thời vụ nhưng đến nay chỉ còn sử dụng 50 công nhân, còn toàn bộ lao động thời vụ phải cho nghỉ hết.

Ông Phùng Văn Thanh, cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty Hoàng Thọ Đúc lý giải thêm cho tình trạng trên còn là do bước sang năm 2008, mọi chi phí đầu vào đều tăng từ lương công nhân, nhiên liệu, phí bốc dỡ… Hàng hoá thì khan hiếm dẫn đến việc các chủ tàu chạy lỗ...

Lối đi nào cho doanh nghiệp?

Trước thực trạng trên của ngành công nghiệp đóng tàu ở Nam Định, cách đây chưa lâu, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã có một buổi họp với các DN đóng tàu để tìm các biện pháp tháo gỡ cho DN.

Trong đó có đưa ra một số giải pháp như: Hạ lãi suất, rà soát lại các dự án nếu dự án nào có tính khả thi cao thì đề xuất với ngân hàng tiếp tục giải ngân để các DN hoàn thiện. Lãnh đạo các huyện phải tìm cách tạo điều kiện về mặt hành lang pháp lý, mặt bằng sản xuất cho DN.

Tìm thêm các nhà đầu tư nước ngoài để liên doanh, liên kết. Các DN phải tự liên kết để giúp nhau tồn tại. Tuy nhiên trước thực trạng hiện nay, những giải pháp đó cũng chưa thể tháo gỡ được cho DN. Bà Bùi Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thọ Đúc cho biết, đây mới chỉ là những khó khăn trước mắt.

Nếu lâu dài sẽ còn rất nhiều hệ lụy như nhà xưởng, nhân công… Đặc biệt là nguồn nhân công chất lượng cao. Nếu không bố trí được việc làm cho người lao động thì các DN sẽ mất hết nguồn lao động. Ngay lúc này, các cơ quan chức năng phải có biện pháp hữu hiệu để giúp các DN vượt qua được khó khăn. Đặc biệt hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải nhanh chóng giải ngân cho các DN làm ăn có hiệu quả để tiếp tục sản xuất.    

Nguyên tắc để ngân hàng rót vốn là DN phải có 30% vốn đối ứng. Tuy nhiên hiện nay tại Xuân Trường, nhiều DN không đáp ứng được điều đó. Đặc biệt là với các DN mới, vốn tự có đã dùng để đầu tư hết vào mặt bằng nhà xưởng, máy móc…

Đồng thời thị trường hàng hoá trong nước đã được cân đối như hiện nay việc đóng các loại tàu vận tải hạn chế 2, hạn chế 3 trong nước không biết có còn phát triển mạnh?  Trong khi đó để đóng các tàu lớn đi Đông Nam Á, Đông Á thì hầu hết các DN ở đây không thể đáp ứng được

Phan Hoạt
.
.
.