Đà Nẵng vận hành nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao

Thứ Bảy, 17/10/2020, 15:26
Ngày 17/10, tại TP Đà Nẵng dự án Công nghệ thông tin kỹ thuật cao đầu tiên về Nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao STM (Surface Mount Technology) được khánh thành, đưa vào vận hành.

Theo đó, dự án Nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT do Công ty CP phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP – thuộc Trungnam Group) làm chủ đầu tư tại khu "Ươm tạo doanh nghiệp" (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). 

Dự án có quy mô nhà xưởng 1.000m2 với tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 7 triệu USD và cùng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ Silicon Valley, Hoa Kỳ, các thiết bị sản xuất được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: phát biểu tại lễ khánh thành.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, dự án Công nghệ thông tin kỹ thuật cao đầu tiên về Nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao STM là minh chứng thực tế đầu tiên để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và đầu tư chính thức vào Việt Nam sau thời gian dài đánh giá cao về tiềm năng phát triển của TP Đà Nẵng. Đây được xem là dây chuyền sản xuất SMT đầu tiên ở miền Trung. Từ dự án này, nếu biết đi đúng hướng, đúng cách thì trong thời gian ngắn, có thể phát triển loại hình sản xuất, nghiên cứu, lắp ráp công nghệ cao với quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước...

Surface Mount Technology (SMT) là ngành điện tử với công nghệ bo mạch, còn được gọi là dán bề mặt, là công nghệ chính được sử dụng để lắp ráp bo mạch trong sản xuất thiết bị điện tử. Việc sử dụng công nghệ SMT mang đến quá trình sản xuất tự động hóa cao, nâng cao năng suất hoạt động cũng như tạo sự linh động tích cực trong quá trình thay đổi cho các chi tiết sản phẩm điện tử.

Nhà máy công nghệ cao SMT đầu tiên tại Đà Nẵng và miền Trung đã được đội ngũ kỹ sư trong nước tiếp cận làm chủ công nghệ, vận hành sản xuất.

Cụ thể, khi sử dụng công nghệ SMT, Trungnam EMS đưa vào hoạt động 3 dây chuyền sản xuất có công suất lên đến 6.200.000 sản phẩm trong một năm. Trungnam EMS cũng đang lên kế hoạch mở rộng khu sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại với nhà xưởng khu A2B4, trong đó tầng 1 có 8 dây chuyền sản xuất với công nghệ SMT và tầng 2 sản xuất linh kiện điện tử nhằm cung cấp thiết bị, sản phẩm điển tử đạt tiêu chuẩn quốc tế cho khu vực và thế giới. 

Nhà máy được đầu tư bởi doanh nghiệp trong nước là doanh nhân tại Đà Nẵng, nguồn lao động kỹ sư lành nghề làm chủ công nghệ sản xuất cũng được đào tạo tại các trường đại học trên địa bàn thành phố và có sự tư vấn chuyển giao công nghệ, quản lý vận hành bởi những chuyên gia CNC hàng đầu từ Silicon Valley, Hoa Kỳ.

Dự án CNC SMT đầu tiên này sẽ được nhân rộng, phát triển thêm nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiếp theo với kỳ vọng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất CNC. Đây là lĩnh vực mà TP Đà Nẵng quyết tâm theo đuổi, thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất để thay đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Đà Nẵng trong những năm đến theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 .


Hoài Thu
.
.
.