DN xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản tự loại mình khỏi "sân chơi"

Thứ Năm, 04/01/2007, 14:25
Nhật Bản đã chính thức áp dụng lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm tôm thiên nhiên có xuất xứ từ Việt Nam. Khả năng “cấm cửa” đối với toàn bộ tôm và mực Việt Nam đã cận kề. Tuy nhiên, bất chấp nguy cơ này, nhiều DN xuất khẩu thuỷ sản vẫn vi phạm về VSATTP.

Cuối tháng 12/2006, Bộ Thương mại nhận được thông báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về việc sản phẩm tôm và mực Việt Nam tiếp tục vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Nhật Bản. Dư lượng chất chloramphenicol trong sản phẩm tôm thiên nhiên đông lạnh bị phía Nhật Bản phát hiện là của một công ty ở Cà Mau.

Với vi phạm này, Nhật Bản chính thức áp dụng lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm tôm thiên nhiên (kể cả sơ chế) có xuất xứ từ Việt Nam. Ngoài ra, Nhật cũng đã phát hiện chất chloramphenicol có trong sản phẩm mực khô của một công ty ở Bình Thuận.

Trước thực trạng trên, Bộ Thương mại cũng cảnh báo, số lượng công ty xuất khẩu thủy sản sang Nhật vi phạm ngày càng tăng, nếu không có biện pháp kịp thời để xử lý mạnh thì dễ dẫn tới nguy cơ Nhật Bản cấm nhập khẩu toàn bộ tôm và mực của Việt Nam.

Được biết, trước khi có thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vào cuối tháng 12/2006, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đang áp dụng lệnh kiểm tra 100% đối với các lô hàng mực và 50% các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này và có khả năng đi đến cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm nêu trên.

Bộ Thuỷ sản đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản khẩn trương tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung trong Công văn số 180/BTS-CL, ATVSTP ngày 14/8/2006, Công điện số 01/BTS-VP ngày 12/9/2006; và Thông báo số 1790/TB-BTS ngày 14/8/2006, Thông báo số 2130/TB-BTS ngày 25/9/2006 của Bộ Thuỷ sản về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh về một số giải pháp cũng như đánh giá việc thực hiện ngăn ngừa nhiễm hoá chất, kháng sinh trong sản phẩm thuỷ sản, tổ chức tại TP HCM và Bình Thuận.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng: Cần phải xem xét, bổ sung các quy định về xử phạt các hành vi mang hoá chất cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… trên tàu cá; tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân, chủ tàu cá, cơ sở thu gom, sơ chế nguyên liệu hải sản… không mua bán, sử dụng các hoá chất cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo quản nguyên liệu hải sản đánh bắt; thành lập đoàn kiểm tra tăng cường điều kiện đảm bảo VSATTP tại các tỉnh trọng điểm như: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Kiên Giang… để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đồng thời, các ngành chức năng có liên quan cũng có trách nhiệm như: Các Sở Thuỷ sản ven biển phải tổ chức các đợt lấy mẫu, kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP  đồng bộ đối với tàu cá, cảng cá, chợ cá, các cơ sở sản xuất nước đá, cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản nguyên liệu hải sản; Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thuỷ sản (Nafiqaved) trao đổi kỹ thuật với cơ quan thẩm quyền về các vấn đề kỹ thuật theo thông lệ quốc tế về trình tự thủ tục theo quy định; khẩn trương lựa chọn, hướng dẫn phương pháp nghiệp vụ cho các phòng thí nghiệm của doanh nghiệp tại địa phương để kiểm tra chính xác các mẫu xét nghiệm…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phổ biến chủ trương ngăn ngừa nhiễm hoá chất, kháng sinh vào sản phẩm đến các doanh nghiệp hội viên và vận động các doanh nghiệp hội viên tham gia và hỗ trợ tích cực các cơ quan Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng hoá chất, kháng sinh để bảo quản, sơ chế nguyên liệu…

Mặc dù nguy cơ đã được phía đối tác cảnh báo trước, nhưng trong thời gian qua, tình trạng vi phạm về VSATTP trong sản phẩm xuất khẩu vẫn còn xảy ra ở một số doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, vấn đề VSATTP không chỉ riêng thị trường Nhật, mà nhiều thị trường khác như EU, Mỹ… cũng đặt yêu cầu này lên hàng đầu. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam chậm trễ trong việc khắc phục thì cảnh báo này không còn là nguy cơ nữa mà sẽ thật sự đe dọa cho việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam

T.Hà
.
.
.