DN đổi tên liên tiếp để hưởng lợi

Thứ Năm, 23/07/2009, 09:46
Đã xuất hiện thủ đoạn móc nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài khu kinh tế cửa khẩu để tìm cách vận chuyển trái phép hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu kinh tế vào sâu trong nội địa; sau một thời gian hoạt động, một số doanh nghiệp thay đổi tên để tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi...

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 127/TW, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trên các tuyến trọng điểm như biên giới phía Bắc, Việt - Lào, Campuchia...

Báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, trong thời gian này, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 78.307 vụ vi phạm pháp luật (tăng 17% so với 6 tháng đầu năm 2008), thu 1.137 tỷ đồng (tăng 8,4% so với 6 tháng đầu năm 2008) trong đó xử phạt hành chính 273 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 421 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 443 tỷ đồng.

Tình trạng buôn lậu đặc biệt diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, nhất là tuyến biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.

Do khủng hoảng kinh tế nên hàng Trung Quốc tồn đọng nhiều, tìm mọi cách đẩy hàng hoá vào thị trường các nước giáp biên giới (trong đó có nước ta) để tiêu thụ. Có nguồn hàng dồi dào, các đầu nậu lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới để thuê mang vác, vận chuyển, buôn bán hàng lậu, trốn thuế rồi tập trung hàng hoá để tiêu thụ trong nội địa. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu thuộc nhóm các mặt hàng có thuế suất cao như hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, điện thoại di động, hàng may mặc, đồ gia dụng...

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, đáng chú ý là việc buôn lậu gà và đồ tươi sống từ Trung Quốc vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn. Chỉ riêng Công an tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện thu giữ 56 tấn gà Trung Quốc, 86.400 quả trứng, 5.335kg nội tạng động vật...

Ngoài ra, tại tuyến biên giới phía Bắc nổi lên tình trạng lợi dụng chính sách về tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu qua biên giới để kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng thủy sản, sản phẩm gia súc gia cầm, xe đạp cũ, thuốc lá ngoại tại một số cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Trên tuyến Việt - Lào, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép có chiều hướng gia tăng, đặc biệt với mặt hàng thuốc lá. Các đối tượng buôn lậu thuê người theo dõi lực lượng chức năng 24/24h, chia nhỏ hàng hóa rồi thuê cửu vạn mang vác theo đường rừng, tránh xa các trạm kiểm soát, khai sai số lượng hàng hóa để được hoàn khống thuế giá trị gia tăng.

Đặc biệt, đã xuất hiện thủ đoạn móc nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài khu kinh tế cửa khẩu để tìm cách vận chuyển trái phép hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu kinh tế vào sâu trong nội địa; sau một thời gian hoạt động, một số doanh nghiệp thay đổi tên để tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi...

Để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo 127/TW yêu cầu các lực lượng chống buôn lậu phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới trên biển, trên đất liền, nơi buôn lậu diễn ra phức tạp; các khu kinh tế cửa khẩu, trên tuyến hàng không, bưu điện và vận chuyển hàng hóa bằng container; giám sát chặt chẽ các đường mòn, lối mở nhất là các cửa khẩu phụ, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lậu hàng hóa vào Việt Nam.

Để giúp các lực lượng chống buôn lậu "mạnh tay" hơn trong công tác đấu tranh, Ban chỉ đạo 127/TW đang đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành quy định cụ thể về việc các lực lượng chống buôn lậu phải có trụ sở riêng, có kho chuyên dụng để phục vụ công tác...

H.Vũ
.
.
.