DN bị lừa vì “ngây thơ”

Thứ Bảy, 20/12/2008, 16:52
Sau vài lần làm ăn suôn sẻ, công ty phía Việt Nam chấp nhận cho công ty phía Singapore thanh toán các đợt hàng sau theo phương thức D/A (trả chậm không quá 180 ngày) hay D/P (thanh toán xuất khẩu).

Kết lại năm 2008, năm thứ 2 Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ cũng bắt đầu học hỏi cách "đi ra biển lớn", ký kết hợp đồng, dự án, trao đổi nhân lực, vật lực, kể cả việc thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho mình.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Văn phòng Interpol cho thấy, trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, năm 2008 tiếp tục nổi lên các loại tội phạm về kinh tế có tính chất quốc tế bằng nhiều thủ đoạn, hình thức mới. Có thể nhận diện dưới các dạng: tội phạm lừa đảo có tổ chức; tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại; tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.           

Loại tội phạm lừa đảo có tổ chức được xác định: trong điều kiện hội nhập, sự "va chạm" giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng mạnh. Pháp luật Việt Nam không chỉ giới hạn trong khuôn khổ quốc gia mà phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, đồng thời phải phù hợp các quy định của WTO. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của nước ta, đặc biệt là pháp luật về kinh tế - tài chính còn nhiều kẽ hở.

Hiểu biết và năng lực kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp còn non kém, một số người lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để ký kết hợp đồng thu lợi cá nhân gây thất thoát tài sản cho Nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân, sự hiểu biết về pháp luật tài chính - kinh tế còn hạn chế, chưa nói những quy định, thông lệ quốc tế. Sự trợ giúp của các công ty tư vấn pháp luật không phải lúc nào cũng thuận.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam được ưu đãi trong đánh thuế nhập khẩu với hàng hóa từ nước ngoài và giảm dần theo lộ trình thực hiện. Lợi dụng quá trình này, tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại sẽ tiếp tục phát triển ở nước ta.

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng không mới nhưng tính chất lừa đảo lại diễn ra tinh vi hơn. Trên thực tế, số vụ phạm tội trong lĩnh vực này không những gây thiệt hại về tài sản mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của khách hàng về tính bảo an. Trong khi đó, tài sản thu hồi được ở mức độ rất thấp, nhiều vụ sau khi bị phát hiện thì tội phạm đã cao chạy xa bay ở nước ngoài, rất khó lần tìm manh mối hoặc có tìm ra cũng chưa có cách gì lấy lại đồng tiền đã bị móc khỏi túi.

Năm 2008, Tổng cục Cảnh sát tiếp nhận và xử lý hơn 600 tin liên quan gần 100 đối tượng và hơn 60 công ty. Các thông tin chủ yếu đề cập việc xác minh làm rõ các đối tượng, tổ chức nước ngoài có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo của cá nhân, tổ chức nước ngoài có điểm chung: nhận hàng nhưng không thanh toán tiền hoặc không thanh toán hết, có trường hợp giao hàng nhưng hàng kém chất lượng, không có bảo hành. Các công ty liên quan chủ yếu là các công ty trách nhiệm hữu hạn ở Mỹ, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc...

Ngày càng xuất hiện nhiều trang web "ma".

Ngoài ra, năm 2008, cơ quan chức năng cũng tiếp nhận nhiều đơn thư yêu cầu của cá nhân hoặc công ty của Việt Nam đề nghị xác minh làm rõ tư cách pháp nhân, khả năng tài chính của công ty tại nước ngoài (công ty tư nhân một số nước như Lào, Jordan, Ba Lan,  Mỹ, Hàn Quốc) để phòng ngừa rủi ro trước khi ký kết hợp đồng kinh tế. Điều này cho thấy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thận trọng hơn, không cả tin vào những giấy tờ được coi "có tính pháp lý" mà công ty nước ngoài trình ra do trước đó không ít nơi đã mắc lừa.

Cùng với hoạt động trên, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước xác minh làm rõ hàng chục đối tượng tại hơn 50 công ty liên quan hoặc nghi vấn hoạt động phạm tội. Kết quả, nhiều công ty không tồn tại trên thực tế, địa chỉ ảo hoặc có địa chỉ, có công ty thật nhưng đã ngừng hoạt động.

Một số công ty không hoạt động kinh doanh, không có khả năng về tài chính hoặc không xác định được công ty cụ thể. Với những thông tin này, không ít doanh nghiệp tư nhân trong nước đã sớm nhận diện đối tượng lừa đảo quốc tế, kịp rút hợp đồng hoặc các giao dịch, không "giao trứng cho ác"!

Gần đây, thương vụ Việt Nam tại Singapore cảnh báo, các vụ tranh chấp khiếu kiện, gồm cả lừa đảo giữa các công ty Việt Nam và Singapore. Theo đó, có trường hợp công ty Việt Nam mua hàng của nước khác có giá trị lớn và ký hợp đồng nhập khẩu với công ty của Singapore qua mạng mà không thẩm tra kỹ công ty. Đến thời gian giao hàng, công ty tại Singapore lập bộ chứng từ giả, lấy tiền nhưng không chuyển hàng mà viện cớ hứa giao hàng, chỉ vài tháng sau, doanh nghiệp Việt Nam mới biết bị lừa.

Có doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cho vụ mùa nhưng không quy định chặt chẽ điều kiện bồi thường khi không giao hàng, hay giao hàng chậm. Người mua sau đó thiệt hại lớn, xảy ra tranh chấp với đối tác nhưng không dễ đòi được bồi thường.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể mắc vào những vụ tương tự. Sau vài lần làm ăn suôn sẻ, công ty phía Việt Nam chấp nhận cho công ty phía Singapore thanh toán các đợt hàng sau theo phương thức D/A (trả chậm không quá 180 ngày) hay D/P (thanh toán xuất khẩu).

Mới đây, thương vụ tại Singapore đã nhận được hồ sơ của một công ty xuất khẩu của Việt Nam đề nghị giúp đòi lại 86.000 USD tiền hàng mà phía công ty Singapore không trả. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần ký kết hợp đồng một cách chặt chẽ và cân nhắc khi chấp nhận xuất khẩu theo phương thức thanh toán D/P hoặc D/A nói trên.

Dự báo năm 2009, bọn tội phạm đang tiếp tục mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực: Lừa đảo trong đầu tư, vay vốn, ký kết hợp đồng để chiếm đoạt tiền hoặc hàng hoá; huy động vốn với lãi suất cao để chiếm đoạt tiền; lừa đảo trong thị trường chứng khoán; trốn thuế; gian lận để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; lừa đảo trong vay vốn ngân hàng...

Đăng Trường
.
.
.