DN Việt Nam vẫn lúng túng với thị trường bán lẻ

Thứ Tư, 10/12/2008, 09:22
Chưa đầy một tháng nữa, cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực bán lẻ tại thị trường trong nước giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đã chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp nước ngoài đã có những kế sách, hoạch định chiến lược từ trước, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ lúng túng… 

Ông Lê Hồng Xuân - Tổng Giám đốc Best Carings, một trong những thương hiệu bán lẻ ngành hàng điện tử điện máy hàng đầu Việt Nam hiện nay cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng, với hơn 80 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một "chiếc bánh" khổng lồ để các doanh nghiệp bán lẻ mặc sức khai thác.

Nói về chiến lược phát triển lâu dài tại thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Xuân cho biết: Đó là các chiến lược về marketing để kích cầu, duy trì lượng khách hàng trung thành bởi các chương trình chăm sóc khách hàng. Cũng để giữ vững và mở rộng thị phần của mình, Best Carings đã chọn liên doanh với Best Denki mục đích là nhằm cải thiện năng lực tài chính, trình độ quản lý, công nghệ hiện đại, kỹ năng tiếp thị, logistic.. của một đại gia có trên 50 năm kinh nghiệm thành công tại một thị trường được đánh giá là khắt khe nhất thế giới.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Best Carings sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới siêu thị Best Carings ra các thành phố kinh tế trong cả nước như Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Hồ Chí Minh… nâng tổng số siêu thị lên con số 10, hướng đến mục tiêu đạt 5% doanh số của thị trường bán lẻ vào năm 2012.

Tương tự, trong lĩnh vực may mặc thời trang, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy được tiềm năng to lớn của "chiếc bánh" khổng lồ, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trong nước còn rất mù mờ.

Theo nghiên cứu thị trường của nhãn hiệu thời trang F.house thì: Giới trẻ chi tiêu nhiều theo thời trang, dễ hấp dẫn bởi quảng cáo và thiết kế đẹp, ít trung thành với một nhãn hiệu nhất định, đó chính là cơ hội để các công ty phát triển thương hiệu lôi kéo lớp người tiêu dùng mới này.

Đại diện tập đoàn Bvlgari cũng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực Viễn Đông đang chiếm 18% trên tổng doanh thu kinh doanh hàng hiệu của họ trên toàn thế giới và đang là thị trường phát triển "nóng". Cùng nhận xét với Bvlgari và F.house, hàng loạt nhãn hiệu thời trang từ các nước đã và đang theo chân các tập đoàn phân phối tìm chỗ đứng ở Việt Nam. 

Còn với doanh nghiệp trong nước, theo ghi nhận của chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị, đầu tư nhưng số lượng doanh nghiệp không nhiều như: Nhãn hiệu thời trang Nino Maxx đã có hệ thống phân phối trên toàn quốc và các nước lân cận, kể cả Mỹ. Nino Maxx là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực may mặc thời trang áp dụng chiến lược liên kết với nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp để tạo đẳng cấp đồng bộ cho thương hiệu. Hay nhãn hiệu Việt Thy với hệ thống vài chục cửa hiệu tại TP Hồ Chí Minh và trên cả nước…

Nhưng, nhìn chung đa phần các nhãn hiệu thời trang Việt thương hiệu chưa đủ mạnh nên chỉ được công ty kinh doanh theo phương thức tự mở cửa hàng bán lẻ hoặc vào siêu thị chứ chưa có chỗ đứng vững chắc trong các TTTM hiện đại.

Còn các trung tâm kinh doanh hàng kim khí điện máy thì hiện vẫn cứ thực hiện chiến dịch giảm giá, khuyến mãi với mục đích để tăng doanh thu, biện pháp này được các đơn vị bán hàng thực hiện nhiều lần trong năm, chẳng có gì mới mẻ. Hay Sài Gòn Co.op, chuỗi siêu thị Vinatex Mart của Tập đoàn Dệt may Việt Nam… mặc dù đưa ra kế hoạch xây dựng số siêu thị khá lớn nhưng thực tế việc triển khai hiện vẫn còn rất chậm…

Với thực tế đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trước làn sóng đầu tư ào ạt của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong thời gian tới

Thúy Hà
.
.
.