DN Việt Nam không thể mãi trông chờ vào chuyên gia nước ngoài

Thứ Hai, 28/01/2008, 23:56

“Trong giai đoạn này, Việt Nam cần lao động nước ngoài để cải thiện nhanh chóng tình trạng thiếu nhân lực cấp cao. Tuy nhiên lao động nước ngoài không trực tiếp tạo ra thế cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước”, một chuyên gia về tuyển dụng nhân sự cao cấp nhận định.

Giải quyết việc làm đang là vấn đề đau đầu với các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2008 của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Dạy nghề đã đưa ra một con số gây sốc: qua khảo sát trên 3.000 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đang thiếu tới 1,6 triệu lao động có tay nghề. Doanh nghiệp cần làm gì để giải bài toán “khát” lao động kỹ thuật cao? Phóng viên CAND Online đã có cuộc trao đổi với ông San Châu (ảnh), Giám đốc tuyển dụng nhân sự cao cấp của Navigos Group, công ty quản lý Vietnam work.com, mạng việc làm lớn nhất Việt Nam hiện nay, về  vấn đề này.

- 3.000 doanh nghiệp đang thiếu tới 1,6 triệu lao động có nghề. Là một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng, theo ông vì sao có tình trạng này?

- Theo tôi đây cũng là tình hình chung trong giai đoạn chuyển tiếp của các nước đang phát triển.  Sở dĩ tình trạng này xảy ra bởi một số nguyên nhân: chương trình đào tạo không thích ứng với thực tế, mang nặng tính lý thuyết; các trường dạy nghề chưa theo kịp các nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư; tính kỷ luật của công nhân Việt Nam còn chưa cao; lao động địa phương có khuynh hướng đổ xô về TP HCM, và lao động ở TP HCM thì cũng không muốn chọn công việc ở ngòai thành phố.  

Vấn đề ở đây là làm sao đào tao phải phù hợp với nhu cầu thực tế và cần phải có chính sách hợp tác hợp lý giữa chính phủ, nhà đầu tư và trường dạy nghề để đảm bảo nguồn nhân lực dài hạn.  

Việt Nam có một ưu thế hơn hẳn hầu hết các quốc gia đang phát triển khác là tỉ lệ phổ cập giáo dục tiểu học cao đạt hơn 90%. Với chiến lược và chương trình đào tạo đúng hướng, Việt Nam hầu như chắc chắn có thể tạo ra nguồn lao động chất lượng cho hầu hết tất cả ngành nghề và đem lại lợi ích kịp thời. 

- Có một nghịch lý là Việt Nam đang phải tìm các giải pháp để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang kiến nghị cần mở rộng các quy định, điều kiện để “nhập khẩu lao động”. Phải chăng đây là  nghịch lý mà chúng ta phải chấp nhận?

- Việt Nam xuất khẩu lao động phổ thông nhưng vẫn cần nhập khẩu lao động cao cấp là các chuyên gia hoặc các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao giàu kinh nghiệm. Chuyện này cũng đã diễn ra ở các nước đang phát triển khác. Đây đơn giản là một mối quan hệ cung- cầu. Việt Nam đã, đang và sẽ có một nhu cầu nhất định về lực lượng lao động nước ngoài vì chúng ta vẫn chưa có đủ những chuyên gia cao cấp giàu kinh nghiệm.

Trong giai đoạn này, Việt Nam cần lao động nước ngoài để cải thiện nhanh chóng tình trạng thiếu nhân lực cấp cao. Lao động nước ngoài chỉ thích hợp trong một số vị trí nào đó và nó không trực tiếp tạo ra thế cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước.

Lao động cao cấp nước ngoài khi làm việc ở Việt Nam luôn được mong đợi ở sự đóng góp trong việc chuyển giao, truyền đạt kiến thức, huấn luyện kỹ năng quản lý, tư duy chiến lược, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam để thay thế những ví trí cao cấp của ngưới nước ngoài trong một tổ chức.  

- Theo cam cam kết với WTO, thời hạn Việt Nam mở cửa với các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dịch vụ giáo dục và đào tạo là 1/1/2009. Tuy nhiên mới đây EU đã khuyến nghị Việt Nam cần mở cửa sớm hơn. Theo ông đây có phải là một giải pháp phù hợp?

- Đầu tư nước ngoài vào ngành giáo dục đào tạo là một giải pháp dài hạn. Trước mắt chúng ta có thể định hướng lại ngành giáo dục đào tạo trong nước sao cho thực tiễn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cuả các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài; các nhà đầu tư nước ngoài cần phải hợp tác với các trung tâm đào tạo chặt chẽ hơn về nhu cầu của doanh nghiệp để có “đầu ra” chất lượng và phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. 

Với Navigos, chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo tại các trường đại học để giúp các sinh viên năm cuối tiếp xúc với các nhà tuyển dụng nhằm trang bị cho họ các kỹ năng tìm việc, “tiếp thị” bản thân và bắt đầu khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.  Đây cũng là một bước đệm quan trọng để giúp các bạn sinh viên tự tin bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, các công ty cũng cần lưu ý đến các chính sách đào tạo và phát triển cho nhân viên. Việc huấn luyện, đào tạo cho nhân viên trên công việc thực tế sẽ giúp họ phát triển kỹ năng, trình độ, cũng như giúp cho họ có định hướng nghề nghiệp lâu dài.   

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.
.