ĐBSCL: Liên kết vùng để tạo động lực phát triển

Thứ Năm, 18/07/2013, 21:32
Chiều 17/7 tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị “Xây dựng quy chế liên kết vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Quy chế liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020 đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo đó, những dự án liên kết vùng được xem xét quyết định đầu tư sẽ được ưu tiên bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đến 80% tổng vốn đầu tư. Lần đầu tiên, hai hình thức liên kết là bắt buộc và tự nguyện được đề xuất với những nội dung khá chi tiết.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, liên kết vùng tại khu vực ĐBSCL không chỉ hạn chế cạnh tranh không lành mạnh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng đồng bộ và hiệu quả.

Hình thức liên kết sẽ được triển khai theo 2 hướng là liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện theo phương thức liên kết nội vùng bao gồm các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ liên kết với nhau; liên kết ngoài vùng bao gồm toàn vùng ĐBSCL liên kết với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước.

Về hình thức liên kết bắt buộc, sẽ tập trung vào các lĩnh vực như lập quy hoạch và thực hiện các đề án, dự án theo từng lĩnh vực liên kết phù hợp với quy định, ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Đầu tư xây dựng cơ bản như hạ tầng giao thông, liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, môi trường…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu chị đạo tại hội nghị.

Liên kết tự nguyện sẽ tạo liên kết thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, nông sản và thủy hải sản. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng, tạo thành một hệ thống thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Kết nối các địa phương hợp tác khai thác những tiềm năng về du lịch, dịch vụ…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, ĐBSCL đã triển khai nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết của Chính phủ... cơ bản thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đặt ra theo yêu cầu của liên kết vùng. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện trong các thời kỳ cho thấy tiềm năng lợi thế đã được phát huy, đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những lợi thế chưa phát huy hết; tăng trưởng tương đối cao nhưng chưa bền vững; chất lượng an sinh xã hội trong vùng chưa được như mong muốn; sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy hải sản, cây trái lớn nhưng vẫn còn tình trạng “được mùa rớt giá”; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại; trong phát triển chung chưa có sự phối hợp toàn vùng, có nơi có lúc đã triệt tiêu các lợi thế. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề liên kết vùng và trong liên kết vùng có những nội dung cần có quy định của Chính phủ để thực hiện thống nhất từ trên xuống, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển…

Liên kết vùng sẽ giúp vùng ĐBSCL tạo thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, thủy hải sản và trái cây; xây dựng hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt kết nối từ nguồn sản xuất đến thị trường tiêu thụ cuối cùng… Đặc biệt, liên kết vùng sẽ giúp toàn vùng ĐBSCL thành một thể thống nhất, có tiếng nói và hành động chung về các lĩnh vực liên kết theo từng bước đi từ thấp đến cao, từ những mục tiêu chủ yếu, cấp bách đến toàn diện…

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dự và chỉ đạo Hội nghị thông qua cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe, xem xét các ý kiến để sửa đổi những quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng cơ chế, chính sách riêng cho đảo Phú Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu hút đầu tư. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội, thúc đẩy đầu tư; áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất cho từng lĩnh vực đầu tư cụ thể cho đảo Phú Quốc.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, việc nhanh chóng tìm cơ chế, chính sách để Phú Quốc phát triển mạnh hơn trong thời gian tới là một nhiệm vụ trọng tâm. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, cần phải có những luận cứ chắc chắn hơn để nêu ra sự cần thiết phát triển Phú Quốc xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của “đảo ngọc” này.

Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng phải có sự tính toán, cái nào trước cái nào sau, vì nguồn lực có giới hạn. Nếu không, chỉ trông vào ngân sách là rất bất cập. Trong khi đề án chưa duyệt nên vận dụng cơ chế chính sách hiện hành ưu đãi cho Phú Quốc…

Văn Đức
.
.
.