Cuộc tẩu tán gỗ không thành

Thứ Ba, 29/01/2008, 18:19
Nhằm tẩu tán gỗ, không cho các trinh sát đưa gỗ ra khỏi kho hàng (chứa hàng trăm hộp, tấm gỗ pơmu trái phép), các đối tượng đã quyết liệt ngăn cản bằng cách lăng mạ, chửi bới, dùng gạch đá, mảnh thủy tinh ném vào lực lượng chức năng…

Giờ xuất phát và khẩu lệnh được Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an (C36) và Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an TP Hà Nội giữ bí mật đến phút chót.

Đúng 16h ngày 26/1, trong tiết trời giá rét, khoảng 60 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng: C36, Cục Kiểm lâm Việt Nam; PC36 Công an TP Hà Nội, PC36 Công an tỉnh Hà Tây cùng nhiều lính chiến cơ động tinh nhuệ thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp; Công an huyện Thường Tín, Hà Tây bất ngờ đột kích vào thôn Xuân Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Tại nhà Phạm Văn Luật (41 tuổi, trú tại thôn Xuân Dương 3), chủ xưởng cưa, xẻ gỗ, các tổ công tác phát hiện có nhiều kho chứa gỗ. Qua kiểm tra, các trinh sát phát hiện hàng trăm tấm, hộp gỗ pơmu các loại với kích thước khác nhau, ước chừng khoảng 40m3 gỗ chưa quy đổi.

Cho đến giờ phút này, rất nhiều người dân quanh vùng mới ngỡ ngàng về việc lập xưởng cưa, xẻ gỗ che mắt cơ quan chức năng để tập kết gỗ lậu trái phép của nhiều chủ hàng để gom về nhà của đối tượng Luật.

Những người không có ngày nghỉ

Chiều thứ 7, tờ lịch trên bàn chỉ ngày 26/1/2008, vậy là chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008. Khi các gia đình đang yên vui sum họp trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc tranh thủ mua sắm đồ Tết thì tại trụ sở Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an (C36) diễn ra một cuộc họp đặc biệt quan trọng.

Ngoài những gương mặt quen thuộc của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Phòng 3-C36, còn có sự hiện diện của nhiều cán bộ chủ chốt thuộc các lực lượng Cục Kiểm lâm Việt Nam, PC36 Công an TP Hà Nội, PC36 Công an Hà Tây.

Theo nguồn tin ban đầu của PC36 Công an TP Hà Nội, Phòng 3- C36 đã cùng tổ chức xác minh, phát hiện tại thôn Xuân Dương 3 có một đầu mối, có thể là mắt xích trong một đường dây quy mô lớn chuyên thu gom, sơ chế, cất giấu, vận chuyển gỗ pơ mu trái phép ra nước ngoài.

Để có nguồn tin chính xác này, hơn 10 ngày qua, căng mình trong mưa, giá rét, suốt 24/24h, nhiều trinh sát đã phải nằm ém mình xung quanh thôn Xuân Dương 3 để tìm hiểu quy luật hoạt động của đầu mối quan trọng này.

Đầu giờ chiều 26/1, theo tin báo từ trinh sát, việc gom thu, vận chuyển gỗ lậu đã vào giai đoạn cuối với hoạt động tập kết tại các kho hàng. Và chỉ một thời gian ngắn nữa, có thể số gỗ này sẽ được xuất sang nước ngoài. Nhận thấy đây là thời cơ phá án, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng C36, lãnh đạo Phòng 3- C36 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp.

Không ai có thể ngờ rằng, cuộc đột kích vào thôn Xuân Dương 3 chỉ diễn ra sau đó vài tiếng đồng hồ. Xác định đây là trận đánh lớn, trước đó, C36 đã chủ động làm tốt công tác hậu cần, tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng.

Đến sát giờ phá án, bộ đàm liên hệ giữa các tổ công tác đã được đem đến. Các loại công cụ hỗ trợ, phương tiện chiến đấu đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Rồi từ bông băng, bánh mì, nước lọc, đèn pin... đều được chia đều lên các xe.

Đúng 16h, từ nhiều điểm ở Hà Nội, Hà Tây, những chiếc xe lặng lẽ nối đuôi nhau xuất phát về hướng thôn Xuân Dương 3. Gần 60 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng đều gác lại riêng tư, xác định không có ngày nghỉ, tất cả cho một chuyên án thành công như mong đợi.

Hé lộ đường dây gom thu, vận chuyển gỗ trái phép xuất sang nước ngoài?

Khi các mũi trinh sát ập vào, chủ nhà là Phạm Văn Luật tỏ ra khá bình tĩnh. Bước đầu, anh ta trình bày số gỗ nêu trên không chỉ của riêng anh ta mà còn có  hàng của em trai là Phạm Văn Hòa, 38 tuổi và ông Phạm Văn Thông, 72 tuổi - bố Luật.

Theo lời trình bày ban đầu, ông Thông khẳng định số gỗ nêu trên là do ông gom mua của nhiều người để chuẩn bị làm nhà cho con. Toàn bộ số gỗ nêu trên, theo khai nhận của những người có liên quan thì họ đều gom thu mua lẻ về tập kết tại các kho ở nhà Phạm Văn Luật.

Sau đó, Cục Kiểm lâm Việt Nam đã tiến hành lập biên bản, thu giữ số gỗ pơmu không có giấy phép. Điều bất ngờ là ngay khi đại diện các bên liên quan vừa ký biên bản xong, nhà Luật đột ngột mất điện.

Trong thời gian đó, có lẽ lo sợ bị bắt giữ, lợi dụng đêm tối lại thông thuộc địa bàn, Luật đã tẩu thoát.

Cũng thời điểm này, tại nhà Luật, có cả người già, phụ nữ la hét, khóc lóc xin cơ quan chức năng tha cho Luật và các chủ gỗ. Có người còn mượn rượu đến la hét, chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng.

Và ít phút sau đó, một số người do bị kích động đã ném gạch đá, bát đĩa thuỷ tinh vào lực lượng chức năng. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi những chiếc xe chở gỗ từ kho nhà Luật liên tục phải tránh đinh dọc đường.

Suốt 7 giờ đồng hồ làm việc liên tục, các cơ quan chức năng cũng mới chỉ chuyển được hơn 1/3 số gỗ trong kho. Để bảo toàn lực lượng, Công an tỉnh Hà Tây đã huy động thêm quân số.

Khoảng 23h, các mũi trinh sát đồng loạt rút ra khỏi trận địa, sau khi công việc đã tạm hoàn tất. Số gỗ còn lại, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, giao cho gia đình cùng chính quyền địa phương bảo quản, chờ xử lý.

Tuy nhiên, sáng 28/1, cơ quan chức năng phát hiện số gỗ còn lại đã bị phá niêm phong. Sự việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Sáng 27/1, anh Phạm Văn Hoà, một trong 3 chủ gỗ đã đến C36 tường trình về nguồn gốc số gỗ mà anh đã thu mua trước đó 5 tháng.

Theo thông tin thu thập được, số gỗ tại nhà Luật có thể được gom thu ở một số tỉnh phía Bắc.

Hiện tại, C36 và các đơn vị liên quan đang làm rõ nguồn tin, sau khi sơ chế gỗ, các đối tượng đã thông qua một công ty tại Hà Nội để xuất gỗ sang Đài Loan. Số hàng trước khi xuất được tập kết tại một kho hàng tại Hà Nội.

Liệu Luật có phải là mắt xích quan trọng trong một đường dây chuyên gom thu mua, vận chuyển, xuất gỗ pơ mu trái phép? Chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về vụ việc này để cung cấp cho bạn đọc vào số báo tiếp theo

Anh Hiếu
.
.
.