Hơn 100 triệu USD đầu tư xây dựng, phát triển thuỷ lợi cho ĐBSCL:

Cuộc sống của hàng triệu người dân đã được nâng lên

Thứ Năm, 01/01/2009, 09:49
Sau 7 năm triển khai dự án phát triển thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm 3 tiểu dự án là Nam Măng Thít tại các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long; Quản Lộ - Phụng Hiệp tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ô Môn - Xà No ở Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang với số vốn lên tới 101,8 triệu USD được hoàn thành và đạt mục tiêu đề ra là xây dựng 148 cống cấp 1, cấp 2; nạo vét 2.000km kênh cấp 1, cấp 2; cấp nước hợp vệ sinh cho khoảng 240 ngàn hộ dân trong vùng.

Bộ NN&PTNT đã nhận định về quyết định đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi cho vựa lúa ĐBSCL, nơi cung cấp chủ yếu lượng gạo xuất khẩu đạt trên 4 triệu tấn của cả nước như sau: Các công trình thủy lợi kết hợp tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn với kiểm soát lũ tiếp tục được củng cố, xây dựng; các tuyến đê bao thị trấn, thị tứ và các cụm, tuyến dân cư ven những tuyến kênh được đào mới, nạo vét hoàn chỉnh… đã góp phần kiểm soát nước mặn và giữ nước ngọt, cải thiện giao thông thủy - bộ, tạo điều kiện trồng trọt và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; đảm bảo điều kiện sống an toàn và ổn định cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sinh thái cho hàng triệu người dân vùng ngập lũ.

Từ đó góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong toàn vùng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét tài trợ khoản vay tiếp theo trị giá 60 triệu USD để mở rộng và phát huy hiệu quả dự án.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, những năm vừa qua hàng loạt dự án quy hoạch thủy lợi như quy hoạch thủy lợi vùng bán đảo Cà Mau; quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên… cũng đã được hoàn thành.

Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi cho vùng ĐBSCL bằng nguồn vốn vay WB, trong giai đoạn 2006 - 2010, tại 13 tỉnh, thành trong khu vực cũng sẽ được đầu tư 10.000 tỷ đồng vốn Trái phiếu Chính phủ để xây dựng 45 công trình thủy lợi.

Trong đó có13 dự án với tổng số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư; 32 dự án với mức vốn 6.000 tỷ đồng còn lại do UBND các tỉnh, thành trong khu vực làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, đã có 35/45 dự án được phê duyệt đầu tư với tổng số vốn lên tới 6.076 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm 2008, các dự án đã được phê duyệt sẽ giải ngân được 1.388 tỷ đồng và đưa nhiều công trình vào sử dụng. Tuy nhiên, do biến động về giá, hiện nhiều công trình đang phải chờ bổ sung vốn để hoàn thành.

Từ các nguồn vốn vay WB và vốn Trái phiếu Chính phủ… đầu tư vào việc phát triển hạ tầng thủy lợi khu vực ĐBSCL những năm qua. Khu vực này đã xây dựng được 28.000km đê bao, bờ bao ven các tuyến sông rạch; 1.359km đê biển và đê bao cửa sông và xây dựng được nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ, "sống chung với lũ" như: tuyến kênh Vĩnh Tế dài 90km cho 12 ngàn người dân; tuyến Thạnh Hóa - An Bình dài 110km cho 60 ngàn người dân; tuyến Long Xuyên - Tri Tôn - Hòn Đất dài 70km cho 80 ngàn người dân và tuyến quốc lộ 80 - kênh Cái Sắn dài 58,5km cho gần 81 ngàn người dân sinh sống…

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ kết quả thực hiện các công trình thủy lợi, mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 là "Phấn đấu đến năm 2010 sẽ có 85% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế ; 70% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh…" cũng được các tỉnh, thành triển khai tích cực và có hiệu quả.

Ước tính, đến hết năm 2008 này, sẽ có khoảng 10,818 triệu người dân tại khu vực ĐBSCL được cấp nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 77% và 58% số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2010, khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục được đầu tư nhiều công trình, dự án phát triển hạ tầng thủy lợi như hoàn thành các công trình thoát lũ và ngăn mặn ven biển phía Tây; xây dựng hệ thống kiểm soát lũ từ sông Hậu thông qua việc xây dựng các cống ngăn mặn tại đầu các tuyến kênh và nạo vét một số tuyến kênh thoát lũ…

Ở vùng Đồng Tháp Mười, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến kênh trục để tạo nguồn nước ngọt nhằm đảm bảo nước tưới để sản xuất ổn định và khai thác hết 8 vạn ha đất đang bỏ hoang; xây dựng bờ bao cho vùng trồng cây ăn trái tập trung tại Đồng Tháp Mười và Tiền Giang.

Đối với vùng Bán đảo Cà Mau, môi trường nước sẽ tiếp tục được đầu tư cải tạo nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản cũng như tạo nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt của người dân…

Đ.T.
.
.
.