Công ty xổ số kiến thiết Ninh Thuận: Tiêu tiền tỷ như chơi

Thứ Hai, 26/03/2007, 13:59
Theo kết luận thanh tra, ngoài việc yêu cầu Công ty XSKT Ninh Thuận phải điều chỉnh chi phí kinh doanh… nhiều tỷ đồng, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và một số cá nhân liên quan còn phải giao nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng.

Hơn nửa tháng trôi qua, kể từ khi Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Ninh Thuận bị bắt tạm giam, dư luận ở địa phương vẫn còn bàn luận về những điều bất thường trong công tác quản lý kinh tế tài chính ở doanh nghiệp này.

Công ty XSKT Ninh Thuận là doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán kinh tế độc lập và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Ninh Thuận. Trước năm 2005, Công ty XSKT Ninh Thuận là một trong 8 thành viên trong khối liên kết XSKT Nam miền Trung, đồng thời là thành viên bộ vé XSKT chủ nhật liên kết giữa ba tỉnh Ninh Thuận - Gia Lai - Khánh Hòa, hoạt động theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định 2634/QĐ-BTC ngày 18/12/2002.

Từ năm 2005 đến nay, thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính về đổi mới hoạt động XSKT, Công ty XSKT Ninh Thuận chuyển sang hoạt động độc lập trên thị trường 14 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.

Theo báo cáo kết luận của Đoàn thanh tra tỉnh Ninh Thuận, trong vòng 6 năm (2000-2005), Công ty XSKT Ninh Thuận đã trích lập quỹ tiền lương sai chế độ gần 9,3 tỷ đồng, trong đó hạch toán vào chi phí kinh doanh sai quy định trên 7,6 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận sau thuế sai quy định trên 1,6 tỷ đồng.

Chính từ việc tính sai đơn giá, áp dụng phương pháp xác định quỹ tiền lương sai chế độ, đã tạo ra khoản thu nhập không hợp pháp, mà thực chất là sử dụng tiền vốn Nhà nước và số tiền phải nộp ngân sách để chia nhau. Kết quả thanh tra đã phát hiện từ năm 2000-2004, thu nhập của cán bộ, nhân viên Công ty XSKT Ninh Thuận cao đến mức… bất hợp lý.

Bình quân tiền lương năm 2004 của mỗi cán bộ, nhân viên là… 218.784.000 đồng, bình quân mỗi tháng 18.232.000 đồng. Riêng mức thu nhập của Giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu trong năm đó lên tới 637.589.000 đồng, bình quân mỗi tháng 53.132.000 đồng; Phó Giám đốc Huỳnh Văn Mai thu nhập 525.335.000 đồng, bình quân mỗi tháng 43.778.000 đồng; kế toán trưởng Vũ Mạnh Kha thu nhập 531.784.000 đồng, bình quân mỗi tháng 44.315.000 đồng.

Cuối năm 2005, quỹ lương của doanh nghiệp vẫn còn tồn gần 3 tỷ đồng, đến khi "bộ sậu" doanh nghiệp vào vòng tố tụng hình sự, thì số dư quỹ lương vẫn còn trên 1,4 tỷ đồng!?

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, số thuế nợ đọng ở Công ty XSKT Ninh Thuận đến cuối năm 2003 trên 9,7 tỷ đồng, chiếm 39,9% trên tổng số thuế phải nộp; năm 2004 số thuế nợ đọng gần 6,4 tỷ đồng.

Với mức thu nhập cao, lẽ ra trong 6 năm (2000-2005), cán bộ, nhân viên Công ty XSKT Ninh Thuận phải nộp 808 triệu đồng tiền thuế trên tổng mức thu nhập phải chịu thuế gần 5,6 tỷ đồng, nhưng họ cố tình né tránh.

Thi hành bắt bị can Vũ Mạnh Kha.

Một số cán bộ, nhân viên và giới đại lý phát hành vé số kiến thiết ở tỉnh Ninh Thuận tỏ ra bất bình khi Giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu đã lạm dụng quyền hành, bất chấp những quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 và quy chế tuyển dụng, hợp đồng lao động do chính ông ký ban hành từ giữa năm 1999.

Tranh thủ thời điểm giải thể mô hình phát hành vé số liên kết các tỉnh Nam miền Trung từ cuối năm 2004, ông Hiếu chỉ đạo thanh lý hợp đồng với tổng đại lý phát hành vé số tại Ninh Thuận, đồng thời "tranh thủ" bố trí Lê Thị Mân, Nguyễn Trọng Đức, Trương Tấn Nghĩa là vợ, em ruột, em rể của mình cùng với Lương Thị Thu Lệ, Vũ Thị Minh Ánh là vợ và em ruột của kế toán trưởng Vũ Mạnh Kha làm tổng đại lý.

Mãi đến khi Bộ Tài chính có Văn bản 5052/BTC-TCNH ngày 17/4/2006, không cho phép người thân của những người có chức vụ trong doanh nghiệp làm đại lý vé số, thì họ mới chuyển giao cho 3 cá nhân khác là kế toán Tăng Nguyên Nam, nhân viên trả thưởng Huỳnh Nguyễn Bích Nhi và Ngô Văn Sậy - Trưởng phòng Tài chính huyện Ninh Phước.

Thậm chí năm 2004, Giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu quyết định chi trên 664 triệu đồng hỗ trợ phát triển mạng lưới đại lý, nhưng lại đưa ra ngoài sổ sách kế toán lập thành quỹ riêng, trái với quy định tại Thông tư 73 ngày 16/7/2004 của Bộ Tài chính. Và trên thực tế số tiền này chỉ mới chi cho các đại lý gần 50%, phần còn lại còn tồn ở quỹ riêng mới là chuyện khó hiểu.

Khám xét nơi làm việc của các bị can.

Chưa hết, lãnh đạo Công ty XSKT Ninh Thuận duyệt chi 44,6 triệu đồng tổng kết năm 2004 và bồi dưỡng nhân viên phòng phát hành vé số trong năm 2005, nhưng không có chứng từ chứng minh, vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Trước đó, vào giữa năm 2001, Giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu đi tham quan hoạt động XSKT tại châu Âu và đã được thanh toán chi phí, nhưng Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Phạm Đình Thảo 2 lần lập thủ tục thanh toán 60 triệu đồng chi phí cho lãnh đạo tham quan ở châu Âu và Asean.

Theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ngoài việc yêu cầu Công ty XSKT Ninh Thuận phải điều chỉnh chi phí kinh doanh; xuất toán khỏi chi phí kinh doanh; loại trừ tiền lương bổ sung trích từ lợi nhuận… nhiều tỷ đồng, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và một số cá nhân liên quan còn phải giao nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng.

Ngày 5/3/2007, Cơ quan CSĐT  tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam Giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu, kế toán trưởng Vũ Mạnh Kha về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế". Phó Giám đốc Huỳnh Văn Mai cũng bị khởi tố về tội này nhưng được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đang tập trung mở rộng điều tra vụ án liên quan đến một số đối tượng khác để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Phan Văn Lương
.
.
.