Công ty Sơn chất dẻo: Mất dân chủ, lỗ triền miên

Thứ Năm, 24/03/2005, 08:18
Theo báo cáo kinh doanh của Công ty Sơn chất dẻo từ năm 2001 đến năm 2004 thì năm nào Công ty cũng có lãi. Nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, năm nào Công ty cũng thua lỗ.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Công ty Sơn chất dẻo là bao bì xuất khẩu, nhưng từ nhiều năm nay, Công ty giao 100% nguyên liệu chính phẩm cho các công ty T.N.P.; M.Đ; H.C… gia công rồi nhận thành phẩm về đem xuất khẩu. Nhưng khi nhận thành phẩm về đem xuất khẩu thì rất nhiều lô hàng bị trả lại với lý do "hàng kém phẩm chất".

Chỉ tính năm 2002, trị giá hàng kém phẩm chất bị trả lại lên tới 21.000 USD, năm 2003 là trên 12.000 USD và năm 2004 là 6.000 USD. Ngoài ra, các đối tác đang đòi bồi thường 45.228USD cho 2.080.000 bao bì kém chất lượng. Điều lạ lùng là Công ty Sơn chất dẻo luôn "sẵn sàng" gánh chịu thiệt thòi thay cho các đơn vị gia công?

Đầu tư lớn, thất thoát nhiều

Năm 2002, Công ty Sơn chất dẻo làm văn bản gửi Tổng Công ty xin vay tiền với lãi suất thấp để mua 3ha đất trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân, quận Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Công ty dùng luôn 37 tỷ đồng để xây dựng mới xí nghiệp. Công trình xây dựng tốn tiền tỷ nhưng sử dụng chưa đầy một năm thì nền của công trình đã bị lún toàn bộ, có chỗ lún tới trên 30cm, tường nứt toác, nhà ăn thì bị sập mái...

Xí nghiệp sản xuất bao bì lớn, được xây dựng mới trên diện tích 10.000m2 mà không hề có kho chứa nguyên vật liệu. Giám đốc Đỗ Sinh Huy ký hợp đồng với Công ty TNHH Giang Sơn - một đơn vị không hề có chức năng sản xuất máy móc thiết bị để mua máy kéo sợi đã qua sử dụng và không rõ xuất xứ nguồn gốc, với giá thành là 420 triệu đồng.

Theo một số cán bộ, công nhân của Công ty cho biết, tại thời điểm đó, trên thị trường, giá máy này chỉ hơn 200 triệu đồng. Cuối năm 2003, Công ty Sơn  chất dẻo còn làm tờ trình xin đổi mới công nghệ nhưng lại rinh về 2 máy dệt thoi cũ rích, không có nguồn gốc xuất xứ của Doanh nghiệp L.T.D.

"Làm thì láo, báo cáo thì thông"

Năm 2001, cơ quan kiểm toán số dư công nợ phải thu không đủ chứng từ kế toán xác định là 2,7 tỷ đồng, năm 2002 lỗ 4,2 tỷ, năm 2003 tiếp tục thua lỗ. Với số tài sản cố định lên đến trên 40 tỷ đồng và hàng trăm công nhân lao động, vậy mà năm 2004, công ty phải bán thanh lý cả tài sản cố định mới báo cáo lãi được 61 triệu đồng, trong khi đó số công nợ khó đòi của Công ty đến nay là trên 5 tỷ đồng…

Ngoài ra, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự đã đến tuổi về hưu từ lâu nhưng vẫn được giám đốc ưu ái trọng dụng và còn ký quyết định nâng bậc lương. Ban Giám đốc Công ty còn vi phạm quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, Thường vụ Đảng ủy hơn 1 năm không tổ chức họp được một lần…

Nhận được đơn tố cáo của cán bộ, công nhân viên Công ty Sơn chất dẻo thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, Thanh tra Bộ Công nghiệp đã vào cuộc và phát hiện ra những tiêu cực tại Công ty.

Tại văn bản kết luận, đoàn thanh tra Bộ Công nghiệp kiến nghị "yêu cầu Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, Công ty Sơn chất dẻo xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những sai phạm trên dẫn đến tình trạng tài chính kém lành mạnh kéo dài, mất vốn của Nhà nước"

Nguyễn Thái Sơn
.
.
.