Công nghiệp hỗ trợ “gặp khó” vì tắc vốn

Thứ Sáu, 29/08/2014, 09:47
Là một thuật ngữ mới và hiện đang rất “nóng”, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xem như công việc giúp cho việc lắp ráp các sản phẩm cuối cùng thông qua cung cấp các bộ phận chi tiết, linh kiện sản phẩm hàng hoá trung gian khác. Đây là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam, cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, do chưa được hưởng nhiều ưu đãi, những doanh nghiệp (DN) trong ngành này đang gặp khó, đặc biệt là tín dụng.

Tại hội nghị về phát triển CNHT diễn ra sáng 28/8, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành và cộng đồng DN quyết tâm tập trung vào phát triển ngành CNHT còn non trẻ này. Tuy nhiên, hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy… hầu như chưa có CNHT đi kèm nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.

Trong thời gian qua, nhà nước cũng đã có định hướng ưu đãi cho các DN hỗ trợ, song những ưu đãi này chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là DN nội mà chiếm tới 70% là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chính sách phát triển một số ngành CNHT, song đến nay, CNHT vẫn phát triển rất ì ạch. Lý giải về vấn đề này, theo ông Hoàng, đến giờ phút này, hầu như tất cả DN CNHT đều chưa được hỗ trợ về vốn cũng như chưa được hưởng các chính sách ưu đãi theo Quyết định. Cả 3 yếu tố: vốn, hạ tầng, đầu ra đều đang rất khó khăn. “Với năng lực hiện nay, tôi tin rằng các DN CNHT có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, cái mà DN đang rất cần là vốn và cơ sở hạ tầng. Vốn là một trong những rào cản đặc biệt lớn hiện nay với ngành CNHT, không chỉ khó tiếp cận vốn ngân hàng mà với lãi suất hiện nay, DN CNHT cũng không thể phát triển được.

Theo phương án sản xuất kinh doanh của các DN thì lãi vay phải dưới 3%/năm và thời gian vay phải 8-12 năm mới đủ quay vòng vốn, có lợi nhuận. Hiện tại, chúng tôi đang vay của VDB với lãi suất hơn 10%/năm, còn tại các NHTM, nếu đàm phán “khéo” thì lãi suất là 12%/năm. Đặc biệt, vay tín chấp đối với DN CNHT là cực kỳ khó, hầu như không vay được”, ông Hoàng chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Lê Hồng Thăng- GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, số lượng DN CNHT Hà Nội hiện có khoảng gần 2 nghìn DN. Về tỷ trọng, doanh thu của CNHT chiếm khoảng 25% doanh thu toàn ngành công nghiệp Hà Nội. “Lúc này, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguồn vốn cũng như mặt bằng sản xuất cho các DN CNHT có ý nghĩa rất quan trọng. Các DN CNHT đang rất cần vốn để sản xuất, nhất là các nguồn vốn trung dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới. Cũng như vậy, các DN DNHT đang rất cần các khu công nghiệp chuyên ngành, có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho hợp tác liên kết trong sản xuất”, ông Thăng đề xuất.

“Để giải bài toán vốn, DN và ngân hàng phải ngồi với nhau để làm việc cụ thể xem đầu tư cái gì, lợi nhuận ra sao để yên tâm rót vốn. Tuy nhiên, khi thiết kế gói vay cho DN CNHT, ngân hàng cần cho vay thời hạn đủ dài để DN thu hồi vốn, đồng thời cần hỗ trợ DN về giấy tờ, thủ tục vì hiện nay, nhiều DN CNHT không đáp ứng đủ giấy tờ để hoàn thành hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhất là các ngân hàng Nhà nước như VDB”, ông Nguyễn Hoàng nói

Lệ Thúy
.
.
.