Công nghiệp 4.0 buộc doanh nghiệp phải phát triển công nghệ để cạnh tranh

Thứ Hai, 11/03/2019, 08:30
Với quy mô dân số hơn 90 triệu người, cùng lượng khách du lịch tăng nhanh và phát triển hệ thống bán lẻ rộng khắp, ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Từ đó, kéo theo nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao bì trong nước và khu vực.


Theo Hiệp hội In ấn Việt Nam (VPA), thị trường in ấn và đóng gói bao bì tại Việt Nam trong những năm qua đạt mức tăng trưởng 15% - 20%. Tại TP Hồ Chí Minh, ngành đóng gói và in ấn chiếm 60% - 65% thị phần toàn ngành, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15%.

Tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng lớn chính là yếu tố kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao bì trong nước. So với các nước và khu vực, doanh nghiệp (DN) ngành này tại Việt Nam đang phát triển mạnh.
DN tham khảo các công nghệ hiện đại giới thiệu tại triển lãm.

Ông Hoàng Văn Huy – Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu & Phát triển phục vụ đổi mới sáng tạo RDI Vietnam nhận định: Ngành đóng gói, bao bì hiện đang có rất nhiều tiềm năng bởi, bao bì, mẫu mã sản phẩm... là một trong những yếu tố quan trọng, dẫn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng (NTD).

Đặc biệt, nguồn thực phẩm chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu lớn, nên nhu cầu về bao bì để đóng gói thực phẩm cũng sẽ tăng theo. Cụ thể, với mức tăng trưởng hàng năm 15-20%, cùng với đó là Công nghiệp 4.0, kéo theo công nghệ in ấn rất phát triển, dự báo đến năm 2020 Việt Nam có mức tiêu thụ nhựa bao bì 45kg/người.

Tuy có tiềm năng rất lớn, nhưng hiện nay ngành bao bì chưa phát triển tương xứng do còn vướng những rào cản: DN chưa nhạy cảm với xu hướng; đầu tư công nghệ tốn chi phí rất cao, trong khi vốn của DN còn rất khó khăn; chính phủ đã có chính sách và những giải pháp dành cho các ngành công nghiệp này, nhưng DN tiếp cận không dễ.

Để phát triển bền vững, không chỉ ngành công nghiệp chế biến và bao gói thực phẩm, mà bất cứ ngành nào cũng cần nguồn nguyên liệu và nguyên liệu sạch. Theo nhận định của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lưu Dzuẩn, đại diện Hội Khoa học và công nghệ thực phẩm Việt Nam (VAFOST), môi trường chính là vấn nạn mà toàn xã hội đang rất quan tâm.

Mỗi ngày, Việt Nam có 18.000 tấn rác thải nhựa vứt ra môi trường và đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa. Vì vậy, để “giải cứu” môi trường thì vai trò của ngành đóng gói bao bì rất quan trọng, đòi hỏi DN phải đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất bao bì xanh, bao bì sinh học... đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện chỉ có những DN lớn mới đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, còn những DN nhỏ gần như chưa quan tâm nhiều. Trong khi đó, theo ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty UBM VES cho hay, thời gian tới ngành công nghiệp chế biến và bao gói thực phẩm sẽ có sự thay đổi, nhất là hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Định hướng của ngành này có xu hướng tạo ra những sản phẩm mang tính tiện dụng để bán đến tay NTD. Tuy nhiên, sự tiện dụng cũng đi kèm với giá cả phù hợp và tác động đến môi trường. Điều này, đặt ra cho DN sản xuất phải vừa tạo ra sản phẩm đảm bảo sự tiện lợi nhưng cũng phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Việt Nam hiện đã ký kết một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó có nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu có mức thuế giảm về 0%. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn của các DN sản xuất trong nước.

Bởi, việc kinh doanh trong cuộc cách mạng 4.0, hàng hoá muốn bán được ra thị trường trong nước và thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ, bắt đầu từ công nghệ in ấn, bao bì sản phẩm...

T.Hà
.
.
.