Cộng đồng trách nhiệm vì sức khỏe người tiêu dùng

Thứ Hai, 31/12/2012, 10:56
Những thành công bước đầu trong việc đẩy gà thải loại của Trung Quốc tràn vào nội địa nước ta cho thấy hiệu quả của sự cộng đồng trách nhiệm.
>> Bất cập việc kiểm dịch ở biên giới

Khi lực lượng chức năng từ các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… đồng loạt ngăn gà nhập lậu. Khi Hà Nội và các địa phương khác cùng nhất quán việc không để loại gà này có mặt trên thị trường. Khi người tiêu dùng tẩy chay gà thải loại của Trung Quốc… đã tạo nên hiệu ứng domino tốt.

Tuy nhiên, trái cây, thực phẩm đóng hộp nhập lậu, chưa được kiểm soát chặt chẽ vẫn là vấn đề nóng hổi của ngày hôm nay. Việc này cho thấy, để bữa ăn trong mọi gia đình an toàn, cần có sự chung tay và trách nhiệm của cả cộng đồng.

Hà Nội vừa thành lập 3 tổ công tác cơ động liên ngành để kiểm soát gia cầm nhập lậu. Hà Nội cũng ký kết với tỉnh Bắc Giang về việc cung cấp, tiêu thụ gà sạch trong dịp Tết Nguyên đán. Những động thái này cho thấy quyết tâm làm sạch thị trường gia cầm của UBND thành phố. Hiệu quả của công tác này đến đâu còn phải chờ thời gian trả lời.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi lúc 5h30 ngày 19/12 tại Trạm kiểm dịch động vật Ngọc Hồi lại cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa về công tác này. Cửa Trạm trên đường Ngọc Hồi đóng im lìm, không có một bóng dáng cán bộ kiểm dịch nào, chỉ duy nhất có một ngọn đèn phía ngoài là bật sáng.

Chúng tôi đứng ở đây gần nửa tiếng, ghi lại được vài chục chiếc xe máy chở những lồng gia cầm sống qua đây vào nội thành mà tịnh chẳng thấy bóng dáng cán bộ thú y đâu cả. Hơn 8h sáng chúng tôi quay lại thì thấy một cán bộ đang làm nhiệm vụ, nhưng đến giờ mới kiểm tra được 1 xe chở gia cầm!

Trạm trưởng Trạm kiểm dịch Ngọc Hồi Nguyễn Hoài Phi vẫn khẳng định: “Chúng tôi chốt trực 24/24h, gia cầm sống thường không đi qua đường này, mà đi đường liên xã Đại Áng, cầu Quang Gánh ra Ngọc Hồi để trốn kiểm dịch”. Có lẽ, biết sáng sớm không có người chốt Trạm, nên người vận chuyển gia cầm sống cứ thế mà ung dung chở qua đây. Và đến giờ “làm việc” của Trạm thì họ “không đi nữa”.

Lý do mà một ngày Trạm kiểm dịch động vật Ngọc Hồi kiểm tra được từ 5 đến 7 xe máy chở gia cầm theo ông Phi là: “Vào 5 đến 6h sáng phương tiện qua lại rất đông, phóng nhanh, nếu dừng họ lại kiểm tra thì rất nguy hiểm. Thời điểm nào an toàn chúng tôi mới ra dừng xe. Để người dân tự giác đưa gia cầm vào kiểm dịch là rất ít”!

Chợ gia cầm tự phát ở gầm đường Pháp Vân, chỉ cách chợ Hà Vĩ (Hà Nội) chừng 200m không được kiểm dịch và không rõ nguồn gốc.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi thấy ngỡ ngàng về hoạt động kiểm tra chất lượng hoa quả. Chỉ là lấy mẫu ngẫu nhiên, test ngẫu nhiên rồi đóng dấu cho đi nên hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc dẫu là chính ngạch nhưng chất lượng vẫn bị thả nổi. Trước đây không có test thử nhanh, nên quy trình kiểm định rất lâu. Nay có rồi nhưng nó chỉ là test thử ban đầu, phân tích mẫu ra sao, độc tính cỡ nào thì vẫn không có máy móc, phải gửi về tận Hà Nội.

Bởi thế mới có tình trạng quả táo, lê để cả mấy tháng trời không thối; quýt để cả tuần lá vẫn tươi nguyên; nho càng để càng… tươi. Người tiêu dùng không lo ngại sao được khi những thứ trái cây mình ăn dù có bổ ra để cả tuần ruồi, nhặng, bọ chẳng thèm đoái hoài. Đến cả những người trực tiếp làm công tác kiểm dịch thực vật còn cho rằng, máy móc, thiết bị của mình nhiều khi không đọc được thông số thuốc bảo vệ thực vật “lạ” của nước bạn.

Tại các cửa khẩu, công tác kiểm dịch y tế cũng được thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu trang thiết bị nên kết quả kiểm tra cũng rất mơ hồ.

Tại trạm kiểm tra y tế, cửa khẩu Tân Thanh, việc kiểm dịch y tế cho phương tiện chuyên chở, hoa quả đều được thực hiện trước lúc thông quan. Tuy nhiên, mọi đánh giá đều bằng cảm quan. Ông Hoàng Văn Hải, Tổ trưởng Tổ kiểm dịch y tế cho biết, chỉ với những trường hợp không bình thường mới thông báo và phun xịt Cloraminb. Để việc kiểm dịch y tế có hiệu quả, ông Hải kiến nghị cần có cơ sở xét nghiệm tại chỗ. Có như vậy, mới đảm bảo chắc chắn là hàng hóa, phương tiện sau khi thông quan đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về y tế.

Thực tế, từ cửa khẩu đến nội địa, chúng ta đều có hệ thống vận hành nhằm kiểm soát, kiểm tra chất lượng thực phẩm rất đầy đủ về mặt hình thức. Tuy nhiên, do thiếu phương tiện nên việc làm này chỉ mang tính hình thức chứ chưa kiểm soát chặt được chất lượng. Đây là một thực trạng cần điều chỉnh nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm nhập khẩu tốt ngay từ đầu vào.

Ý kiến những người trong cuộc

Ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh:

Việc sử dụng test thử nhanh và đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm dịch hiện nay chỉ là kiểm tra đại diện, khi nào phát hiện nghi ngờ thì mới kiểm tra đại trà. Do vậy nó mới chỉ mang tính chung chung.

Biện pháp hữu hiệu cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của hoa quả, nông sản là kiểm dịch tại nguồn xuất phát.

Yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy xác nhận của cơ quan kiểm dịch nước sở tại và giấy chứng nhận quốc tế thì mới được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Lê Viết Ngà, cán bộ thú y Đội công tác liên ngành chợ Hà Vỹ:

Chốt kiểm dịch chợ gia cầm Hà Vỹ thành lập từ năm 2006. Ngoài cán bộ thú y, tại đây còn có sự tham gia của Quản lý thị trường, Công an… Sau một thời gian “làm mưa, làm gió”, gà thải loại của Trung Quốc đã dần biến mất tại chợ. Có được điều này là nhờ các địa phương, các ngành, các cấp đã đồng loạt ra quân và được người tiêu dùng hưởng ứng.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi chủ quan. Chúng tôi cũng biết rõ, vì lợi nhuận nên vẫn có những đối tượng tìm cách đưa loại gia cầm này về nội địa tiêu thụ.

Thế nên, các cấp chính quyền cần phải tiếp tục duy trì, tuyên truyền phổ biến để người dân cùng tham gia việc bài trừ loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng này.

Qua theo dõi hồ sơ công tác kiểm dịch thú y đối với số gia cầm về chợ Hà Vỹ, tôi thấy rõ việc này được các địa phương thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là số lượng gia cầm từ chợ Hà Vỹ đến các chợ trong nội thành Hà Nội lại không được cấp giấy kiểm dịch. Việc này là do quy định của thành phố cấm giết mổ, tiêu thụ gia cầm còn sống trong nội thành.

Thế nhưng thực tế tại đa số các chợ ở Hà Nội, gia cầm còn sống vẫn bày bán rất nhiều. Nguồn gia cầm còn sống đến các chợ nội thành từ chợ Hà Vỹ có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y lại biến thành gia cầm không có kiểm dịch. Rồi loại gia cầm lại nhập với gia cầm đến từ các tỉnh, huyện lân cận nữa…

Tất cả tạo nên thị trường gia cầm sống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch. Đây là lý do khiến nhiều người tiêu dùng không yên tâm khi sử dụng và bộc lộ rõ sự thiếu nhất quán trong công tác kiểm dịch gia cầm.

Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội:

Chúng tôi ưu tiên chống gia cầm nhập lậu; thực phẩm “bẩn” (nội tạng) và các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm khác.

Đối với gia cầm nhập lậu, do có sự chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ, các ngành, UBND các tỉnh, thành nên tình hình được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do siêu lợi nhuận, có những đối tượng sau khi nhập khẩu gia cầm lậu đã phù phép thành gà trong nước bằng cách nuôi nhốt tại một địa phương nào đấy. Để làm rõ thủ đoạn này, từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ đấu tranh làm rõ.

Tôi hy vọng, với nỗ lực của các bên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết sẽ được đảm bảo.

Cao Hồng - Trần Hằng
.
.
.