Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013

Thứ Ba, 28/05/2013, 13:36
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2013 do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) công bố sáng 27/5. 

Nếu như năm 2011, báo cáo là “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, năm 2012 là “Đối diện với thách thức tái cơ cấu” thì năm nay, “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” đã thể hiện rõ nhưng khó khăn mà nền kinh tế phải đối diện.

Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả… khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang trở nên “gập ghềnh” hơn bao giờ hết.

Với chủ đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013 phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ. Báo cáo đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam: Kịch bản 1, nếu lạm phát năm nay dừng ở mức 4,95% thì tăng trưởng sẽ đạt mức 5,04%; kịch bản 2 lạm phát là 6,64% và tăng trưởng đạt 5,35%.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, những vấn đề ngắn hạn trước mắt Việt Nam phải giải quyết đó là lãi suất huy động có sức ép giảm hạ, lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm. Việc giảm lãi suất khi đi quá xa có thể gây mất cân đối thị trường khác như: USD, vàng, bất động sản. Cơ quan quản lý cần phải có sự cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng".

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc  gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, điều cần tập trung nhất hiện nay chính là tái cơ cấu. Nếu giải quyết được vấn đề này nền  kinh tế sẽ không lo ngại bị rơi vào vòng xoáy liên tục lạm phát hay suy giảm kinh tế.

Với muôn vàn khó khăn, tiếp tục giẫm chân tại chỗ trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), FDI chỉ tập trung vào chất lượng thấp, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng, tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước. “Mục tiêu của chương trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được xác định rõ ràng. Đó là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, thực hiện tốt chức năng trung gian tài chính, chi phí xử lý tái cấu trúc thấp.

Đối với xử lý nợ, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế. Chính phủ cần có những giải pháp ngắn hạn giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cần kết hợp với giải pháp dài hạn nhưng đảm bảo tính khả thi. Các giải pháp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc cần được thực thi kết hợp với giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế gồm khu vực doanh nghiệp và khu vực công”, báo cáo kiến nghị

Lệ Thúy - Huyền Thanh
.
.
.