Thu hồi đất thực hiện dự án ở Hà Nội:

Còn tồn tại nhiều nghịch lý, vướng mắc

Thứ Năm, 14/07/2011, 08:49
Sau khi địa giới hành chính được mở rộng, bình quân mỗi năm Hà Nội có trên 1.000 dự án đầu tư triển khai có liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) với quy mô thu hồi đất trên 12.000ha đất/năm (lần lượt gấp hơn 3 và 4 lần so với trước khi mở rộng).

Tính từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB xong cho 1.303 dự án, thu hồi 6.579ha đất, chi trả hơn 30.269 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho trên 153 nghìn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bố trí tái định cư cho trên 6.570 hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở.

Đặc biệt trong hai năm 2009-2010, quy mô đất thu hồi, GPMB của Hà Nội đạt 4.100ha (chiếm 65% tổng diện tích đất đã GPMB xong từ năm 2008 đến nay), phục vụ hàng loạt dự án trọng điểm của Chính phủ và thành phố. Tuy nhiên, việc thu hồi đất, GPMB còn tồn tại nhiều nghịch lý, vướng mắc.

Đền bù GPMB cho Dự án tại "lô đất vàng" ở quận Hoàn Kiếm.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội cho biết: Một số người dân được hưởng lợi khi lô đất chuyển ra "mặt đường", trong khi Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để đền bù, GPMB cho người bị thu hồi đất, tạo ra sự không công bằng.

Theo tôi, nên đưa ngay quy định vào trong Luật về việc các dự án làm đường giao thông trong khu đô thị, dứt khoát phải tiến hành việc thu hồi đất hai bên đường để quy hoạch và xây dựng đồng bộ tuyến phố và cảnh quan đô thị, tăng hiệu quả sử dụng đất.

Việc khai thác đất hai bên đường có thể bù đắp được chi phí cho dự án gồm cả tiền làm đường, lẫn tiền bồi thường, bố trí tái định cư tại chỗ, đáp ứng được nguyện vọng của người dân; giảm sự bất công bằng trong thu hồi đất, chấm dứt tình trạng đường phố lô nhô, chắp vá, kiến trúc tùy tiện, đồng thời xóa sổ nhà siêu mỏng từ việc hai bên đường sẽ được quy hoạch lại".

Bên cạnh đó là những vướng mắc, bất cập trong việc định giá đất. Việc điều chỉnh giá đất chưa phù hợp với giá thực tế trên thị trường và chưa đáp ứng được nguyện vọng của các hộ dân có đất bị thu hồi. Đất nông nghiệp có cùng một hạng đất, có cùng tính chất, mục đích sử dụng như nhau, nhưng có các mức giá khác nhau theo từng khu vực. Việc đó tạo ra sự không công bằng và khó khăn trong công tác bồi thường GPMB.

Điều 44 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp nhà đầu tư được tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ để có đất thực hiện dự án. Thống kê sơ bộ từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2011 có 33 trường hợp thực hiện theo hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận để có đất theo văn bản chấp thuận của UBND thành phố.

Nhưng kết quả chỉ có 9/33 trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công (chủ yếu là các dự án nhỏ lẻ, quy mô nhỏ), còn lại đều đang vướng mắc không đạt được sự thỏa thuận và đang xin điều chỉnh sang hướng Nhà nước thu hồi đất. Những vướng mắc khi thực hiện cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận để có đất chủ yếu là người dân có nhà, đất luôn đòi nhà đầu tư chấp thuận giá bồi thường và các chính sách khác cao hơn rất nhiều so với quy định.

Để có đất thực hiện dự án, có trường hợp nhà đầu tư một mặt công khai mức bồi thường tương đương quy định của Nhà nước, mặt khác chấp nhận "đi đêm, thỏa thuận ngầm" hỗ trợ thêm ngoài chính sách cho người dân, nhất là hỗ trợ thêm đối với các trường hợp "chây ỳ" với mức hỗ trợ cao hơn nhiều lần so với các trường hợp đã thỏa thuận trước.

Từ đó đã phát sinh phức tạp do mâu thuẫn về lợi ích của người dân trong cùng dự án (người chây ỳ, đi sau được bồi thường nhiều, người chấp hành đi trước được bồi thường ít), dẫn đến việc người dân phong tỏa diện tích đất thực hiện dự án, đòi lại đất, cản trở thi công… làm cho nhà đầu tư vừa mất tiền hỗ trợ thêm nhưng lại không thu được đất và nhất là còn gây phức tạp tình hình trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Thực tế, một số dự án đã, đang nảy sinh tình hình phức tạp trên địa bàn Hà Nội như: Khu công nghiệp An Khánh (năm 2005-2006) và hiện nay là tại các dự án xây dựng khu nhà ở để bán tại khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh) do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư và Xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng và nhà ở tái định cư tại số nhà 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) do Công ty cổ phần Thời đại mới T&T làm chủ đầu tư

Lê Quân
.
.
.