Còn thất thoát, lãng phí lớn trong đầu tư xây dựng

Chủ Nhật, 31/03/2019, 06:36
Thất thoát, lãng phí tại nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua đang trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận. Mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ và các địa phương đã ưu tiên dành nguồn vốn rất lớn hàng năm và trung hạn để đầu tư xây dựng các dự án, công trình, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án trong thời gian qua còn nhiều hạn chế và bất cập, dẫn đến gây thất thoát, lãng phí vốn, tình trạng đội vốn, không minh bạch trong sử dụng nguồn vốn…

Nhiều bất cập trong tính giá

Nguyên nhân của việc thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng có nhiều nguyên nhân như: chủ trương đầu tư sai dẫn đến công trình sử dụng kém hiệu quả; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng không đảm bảo tiến độ; công tác lựa chọn nhà thầu; thất thoát, lãng phí trong thi công xây lắp công trình…

Cần nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng là định mức giá xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập. Theo ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thì kinh tế xây dựng trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị còn một số tồn tại chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Đơn cử như giá ca máy.

Ông Khánh phân tích, hiện nay ca máy chỉ tính có 1 giá ca máy, tức là đơn giá cho ca máy là 8 tiếng. Thế nhưng trong thực tế, máy sử dụng cho các dự án có khối lượng lớn hoặc khối lượng nhỏ là hoàn toàn khác nhau. Có những tình huống thuê máy 1 giờ, có tình huống thuê 1 ngày,  hay 1 tuần, 1 vài tháng, cũng có thể là mấy năm, trong khi thuê máy theo thời gian thì chi phí rất khác nhau. Do đó sai lệch của giá thuê ca máy rất lớn.

“Trước kia chúng ta xây dựng theo phương pháp phù hợp với cơ chế bao cấp, số lượng định mức cũng chưa đáp ứng được hoặc đáp ứng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống giá chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Ví dụ như giá nhân công chia 2 nhóm, trong khi đó thị trường có trên 50 loại công việc có giá nhân công khác nhau. Rồi giá vật liệu cũng vậy, chúng ta cũng mới quan tâm đến chất lượng, chứ chưa quan tâm đến giá theo số lượng theo điều kiện cung cấp. Từ đó dẫn đến việc không đảm bảo tính đúng, tính đủ”, ông Khánh nói.

Những bất cập của định mức xây dựng khiến cho giá thành xây dựng ở một số dự án khó định lượng cụ thể. Đơn cử như trường hợp tính giá 1km đường cao tốc, đang gây ra rất nhiều băn khoăn trong dư luận hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, xuất đầu tư đường cao tốc sẽ được chia ra cho nhiều khu vực, mỗi khu vực có địa hình, địa chất khác nhau nên phải dự toán tính toán cho nhiều khu vực tương ứng.

“Vừa rồi Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Viện Kinh tế xây dựng là đơn vị nghiên cứu suất đầu tư của 1km đường cao tốc. Viện Kinh tế xây dựng đã phối hợp với cơ quan quản lý và tư vấn dự án, tư vấn thiết kế của Bộ Giao thông Vận tải để tham khảo, tìm hiểu dự án đường cao tốc mà Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng, lên rất nhiều phương án tính toán giá thành.

Chúng tôi đã phối hợp với Viện Kinh tế đã dự thảo xong nghiên cứu tính toán của 1km đường cao tốc và sắp tới báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để xin ý kiến về tính toán này. Tính toán giá thành này dự kiến sẽ sớm được công bố”, bà Hạnh cho biết.

Đảm bảo tính đúng, tính đủ trong đầu tư công

Để chống thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư công, Bộ Xây dựng đang triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của nhiều Bộ ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…

Sau hơn 1 năm triển khai, ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, qua rà soát đã mạnh dạn loại bỏ hơn 1000 định mức lạc hậu; sửa đổi hơn 3000 định mức, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ, sát với thực tiễn; bổ sung hơn 2000 định mức mới… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng, chống thất thu lãng phí trong đầu tư công.

Việc hoàn thiện Đề án hệ thống định mức, giá xây dựng sẽ góp phần vào việc chống thất thoát, lãng phí ở các dự án đầu tư công.

Theo ông Khánh, việc triển khai đề án này, trước hết khắc phục những tồn tại của quản lý theo cơ chế cũ chưa đảm bảo hoàn toàn việc tính đúng, tính đủ. Mà đối với việc đầu tư xây dựng dự án thì việc tính đúng tính đủ và tạo ra thị trường xây dựng minh bạch cạnh tranh là vô cùng quan trọng với dự án công.

“Nếu thừa chi phí cũng dẫn đến lãng phí và tiêu cực, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự án. Và đương nhiên là ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án đầu tư. Cái đổi mới của chúng ta đây là kết quả mong muốn, là sẽ đảm bảo tính đúng tính đủ tốt nhất của các dự án đầu tư công. Bao gồm các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án sử dụng vốn ngân sách, và các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, ông Khánh cho biết.

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, hiện nay công nghệ, năng suất xây dựng phát triển tốt nhưng kinh tế xây dựng, quản lý chi phí chưa theo kịp thị trường nên việc triển khai Đề án hệ thống định mức, giá xây dựng rất quan trọng.

Từ đó sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành Xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng…

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết, trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách. Sau khi 2 nghị định mới thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được ban hành, dự kiến trong quý II, đầu quý III/2019, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 15 thông tư hướng dẫn.

Bộ Xây dựng và 7 Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, 63 địa phương sẽ tập trung xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị mới trên cơ sở các thông tư hướng dẫn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước sau này, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí.

Phan Hoạt
.
.
.