Còn nhiều nỗi lo thực phẩm, hoa quả không nguồn gốc, xuất xứ

Chủ Nhật, 03/08/2014, 14:15
Phóng sự về nhiều túi hoa quả như mận, đào… bày bán tại các quầy dịch vụ trên sân bay Nội Bài mang nhãn hiệu Việt Nam nhưng thực sự được “đánh” về từ Trung Quốc vừa được phát trên sóng truyền hình chẳng khiến người tiêu dùng giật mình hơn được nữa. Có chăng chỉ là sự bức xúc bởi ngoài việc gian dối xuất xứ hàng hoá, đó là những sản phẩm giả danh này đang được bán với giá cao ngất tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài.

Không phải mùa đào nhưng vẫn có đào Tây Bắc bày bán, không có dâu tây Đà Lạt nhưng thị trường vẫn tràn ngập những sản phẩm mang nhãn mác của địa phương này… Hoa quả, thực phẩm được tráo đổi nhãn mác, xuất xứ là vấn đề được báo chí nói đến nhiều năm nay nhưng trên thực tế không hề có chuyển biến. Và câu chuyện dăm bữa nửa tháng các cơ quan chức năng bắt được một lô hàng, một chuyến xe chở hàng hoá không rõ nguồn gốc chạy về từ biên giới càng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng và bức xúc thêm.

Không chỉ riêng tại sân bay và không phải bây giờ mà thời gian qua đã có khá nhiều vụ việc trái cây có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng đội lốt đặc sản các vùng miền Việt Nam được tuồn vào các siêu thị lớn và uy tín trên thị trường. Táo Trung Quốc được dán nhãn mác Mỹ, Pháp, New Zealand, rồi xoài, măng cụt nhập qua biên giới Lạng Sơn về chợ Long Biên cũng được hô biến thành xoài, măng cụt đặc sản Việt…

Mỗi ngày hàng chục ngàn tấn hoa quả đủ loại vẫn đang được tiêu thụ trên khắp các trung tâm siêu thị, chợ, hàng quán khắp cả nước. Người ta có thể chấp nhận phần nào lý giải về sự lọt lưới của những lô hàng lậu, không rõ nguồn gốc bởi lý do đường vận chuyển trên tuyến biên giới chằng chịt lối ngang, đường tắt… Thế nhưng khi những sản phẩm này ngang nhiên chễm chệ trên những siêu thị, trung tâm thương mại lớn uy tín toàn quốc, thậm chí là cả sân bay quốc tế mang trên mình những cái tên giả mà rất ít có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý thì thật khó chấp nhận được. Trên thực tế, thỉnh thoảng trong những đợt kiểm tra chuyên đề cũng phát hiện được vài trường hợp vi phạm, nhưng những động thái đó là không thấm vào đâu và rõ ràng với việc thiếu quyết liệt trong xử lý vấn nạn này nên sau đó tình hình không hề được cải thiện.

Nhìn ra các nước xung quanh, chỉ cách đây ít ngày thôi ở Nhật Bản, sau khi nhãn hàng McDonald's Nhật Bản bị khách hàng phát hiện sử dụng nhiên liệu từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc đã bị chính quyền nước này đóng cửa vì phát hiện vi phạm, Giám đốc điều hành của McDonald's Nhật Bản đã tổ chức họp báo truyền hình đến cả nước để xin lỗi khách hàng và cam kết đưa ra các biện pháp khắc phục một cách rất quyết liệt. “Trông người lại ngẫm đến ta”, tình trạng trái cây Trung Quốc đội lốt sản phẩm Việt và nhiều nước phát triển trên thế giới làm mưa làm gió trên thị trường nhưng nhiều năm rồi các cơ quan chức năng vẫn mãi miết chuyền quả bóng trách nhiệm quản lý cho nhau. Các thương hiệu lớn như những siêu thị, trung tâm thương mại… thỉnh thoảng chẳng may bị phát hiện thì tìm đủ mọi lý do để bao biện, chống chế vi phạm. Và có lẽ tình trạng làm ăn gian dối, lừa đảo người tiêu dùng sẽ vẫn là câu chuyện tít mù rồi lại vòng quanh không hồi kết

Thanh Hải
.
.
.