Còn nhiều lúng túng trong phát triển kinh tế nông thôn ở Hải Phòng

Thứ Năm, 24/08/2006, 08:35

Với xu thế đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, một bộ phận lớn nông dân Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ thiếu đất, thiếu việc làm... đòi hỏi phải có những quyết sách kịp thời, nhất là lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề.

Khác với nhiều địa phương, Hải Phòng từ rất sớm đã hình thành, định hướng phát triển khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH). Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, tiến trình này rất chậm chạp...

"Ly nông bất ly hương"

Sau hàng chục năm thực hiện chương trình CNH-HĐH, khu vực nông thôn Hải Phòng mới chỉ có hơn 34% số hộ tạm gọi là chuyển dịch được ngành nghề, tương ứng với 97.650 hộ. Trong đó, phần lớn là nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - dịch vụ. Về giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn, đến nay cũng chỉ đạt 2.025.000 triệu đồng, chiếm 45,41% tổng giá trị sản xuất trong nông thôn, trong đó nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm 49,9%, nhóm thủ công mỹ nghệ chiếm 1,7%, nhóm xây dựng - dịch vụ chiếm 48,4%. Tại những khu vực đã được chuyển đổi, mức thu nhập bình quân của lao động đạt 675.000 đồng/người/tháng. Tuy chưa thực hấp dẫn nhưng cũng đã gấp 2 lần so với thu nhập thuần nông, gấp 1,5 lần thu nhập chung.

Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở đó, ngành nghề nông thôn vẫn là chuyện của một bộ phận nhỏ khu vực nông thôn. Số đông còn lại, cứ đến thời kỳ nông nhàn là ly hương để ly nông, tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập cho gia đình dưới đủ mọi hình thức, đủ thứ nghề không ra nghề. Cực nhọc, vất vả nhưng không hề ổn định. Đó là chưa nói tới những tác động xấu bởi công việc và ngành nghề không ổn định.

Phát triển lệch hướng?

Bóng dáng của công nghiệp đã xuất hiện ở khu vực nông thôn ngày càng nhiều, nhưng đó là sự di chuyển nhà máy, khu công nghiệp từ thành phố về nông thôn chứ không phải là sự chuyển dịch của nông thôn. Điều đáng lo ngại là các dự án công nghiệp này đã không có sự bù đắp tương xứng so với giá trị đất đai mà người nông dân đã phải chấp nhận nhường lại để phát triển công nghiệp.

Rất nhiều chủ dự án từng hứa hẹn sẽ bố trí nhân lực bằng nguồn lao động tại chỗ. Nhưng khi dự án đi vào hoạt động, với nhiều lý do nghe có vẻ hợp lý: Chất lượng lao động, trình độ chuyên môn... không mấy ai là người địa phương được tuyển dụng làm việc tại những cơ sở công nghiệp trên chính mảnh đất quê hương họ. Vì vậy, chính quyền các cấp cần thiết phải thận trọng, cân nhắc trước khi phê duyệt những dự án nặng về hô hào như trên. Một thực tế khác, tuy định hướng phát triển của Hải Phòng có từ rất sớm nhưng cho tới nay, Hải Phòng vẫn chưa có quy hoạch tổng thể hoặc chi tiết về ngành nghề nông thôn (từ thành phố tới các xã). 

Đó là lý do chính khiến ngành nghề nông thôn Hải Phòng phát triển thiếu định hướng, tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Kèm theo sự phát triển thiếu bài bản này là những hệ lụy đã nhãn tiền: Nhiều sản phẩm chất lượng kém, sức cạnh tranh thấp, ngay cả với thị trường nội địa, nội thị. Nhiều làng nghề sản xuất cầm chừng có nguy cơ mai một, mất đi. Sản xuất đan xen với dân sinh gây phát sinh ô nhiễm, phá vỡ cảnh quan và giá trị văn hóa ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội... Chủ trương CNH-HĐH là tất yếu để phát triển kinh tế chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, vai trò hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nông thôn cần phải xem lại. Phải bắt đầu ngay từ khâu đầu tiên: con người

Lê Minh Triết
.
.
.