Cơ sở sản xuất cơm hộp sạch ở Hà Nội còn ít

Thứ Năm, 01/04/2010, 09:22

Nhu cầu sử dụng cơm hộp sạch của người dân Hà Nội tăng cao trong thời đại công nghiệp, nhưng số công ty sản xuất cơm hộp cao cấp hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do giá thành cao, cơm hộp cao cấp vẫn bị thu hẹp. Lợi dụng vào nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều quảng cáo, rao bán cơm hộp sạch xuất hiện nhan nhản trên thị trường.

Đầu tư lớn, thị trường nhỏ

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí về VSATTP của cơm hộp sạch, các công ty, cơ sở sản xuất phải đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, đắt tiền; thực phẩm chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng nên giá thành sản phẩm của cơm hộp sạch phải tăng lên. Do vậy, đối tượng phục vụ của cơm hộp sạch cũng dần bị thu hẹp, đặc biệt là bị cơm bình dân lấn át.

Theo ông Cường thì ở Hà Nội hiện có một số cơ sở sản xuất cơm hộp sạch đảm bảo VSATTP và có quy mô lớn là Công ty cổ phần Du lịch và Thực phẩm Sao Việt (Công ty Sao Việt); Công ty Thực phẩm Hà Nội... Cơm hộp cao cấp Việt Anh của Công ty Sao Việt có mặt trên thị trường từ năm 2005, đến nay đã cung cấp cho 80 trường tiểu học và trung học trên địa bàn Hà Nội, với số lượng khổng lồ: 45.000 suất/ ngày.

Rửa hộp đựng cơm trên dây chuyền bằng máy trước khi sấy khô.

Điều khác biệt để cơm hộp sạch Việt Anh tồn tại và phát triển, họ đã phải đầu tư một dây chuyền sản xuất hiện đại của Nhật lên tới 20 tỷ đồng tại tổ 15, phường Phúc Lợi, quận Long Biên và 12 cơ sở ở các quận nội thành. Toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm đều trên dây chuyền và hệ thống khử trùng bằng nước ozon, sau đó cho vào hệ thống máy thái. Trong quá trình chế biến có hệ thống máy ngửi mùi, nếu rau, củ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật thì hệ thống này sẽ báo động. Chính vì thế, 5 năm có mặt trên thị trường, cơm hộp Việt Anh chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Để đảm bảo VSATTP, công ty đã trang bị hệ thống rửa hộp bằng dây chuyền và sấy khô rồi đưa vào phòng tiệt trùng để bảo quản; cơm đựng trong hộp inox cao cấp; thức ăn đựng trong thùng bảo ôn và chuyên chở bằng xe bảo ôn, do vậy tránh được việc thức ăn bị ôi thiu trong quá trình vận chuyển.

Cơm hộp "sạch": rao bán nhan nhản

Thế nào là cơm hộp sạch không phải bằng mắt thường hay cảm quan mà khẳng định được, nó còn dựa trên nhiều tiêu chí, đặc biệt là 10 tiêu chí về thức ăn đường phố. Ngoài ra, việc sản xuất còn chịu sự kiểm tra, giám sát của ngành Y tế. Tuy nhiên, trên thị trường hiện đang rao bán và trưng biển quảng cáo cơm hộp sạch nhan nhản. Trên nhiều diễn đàn mạng, cơm hộp sạch được quảng cáo khá mời gọi, bắt mắt bằng những tấm ảnh chụp hộp cơm với các món ăn hấp dẫn và số điện thoại liên lạc. Nhưng cơ sở sản xuất của những hộp cơm này ở đâu thì không ai biết. Do vậy, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là cơm hộp sạch, đâu là cơm hộp tự phát. Ông Vũ Tiến Việt, Phó Giám đốc Công ty Sao Việt cho biết: "Sản xuất cơm hộp sạch phải đầu tư lớn, mỗi ngày tiêu thụ được 1.000 đến 2.000 suất thì không cầm cự nổi, dễ bị chết yểu".

Theo ông Nguyễn Việt Cường thì các công ty, đơn vị sản xuất cơm hộp sạch hiện do Sở Y tế quản lý, các công ty này đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn cơm hộp bình dân hiện đã phân cấp cho cơ quan y tế các địa phương kiểm tra, quản lý. Ông Cường cho biết, khâu rửa hộp là rất quan trọng, nếu rửa không sạch thì vi khuẩn sẽ lưu lại trong hộp và khi cho thức ăn vào dễ dẫn tới thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Với hộp xốp, nếu cơ sở gia công không sạch sẽ, vi khuẩn có thể cư trú trông lỗ hổng của hộp xốp và tiếp tục phát triển, gây nhiễm khuẩn thức ăn. Do vậy, chọn lựa cơm hộp an toàn không phải dễ, đặc biệt là trước các quảng cáo nhan nhản ngoài đường khiến người tiêu dùng dễ bị lầm tưởng.

Mới đây, Trung Quốc đã cấm dùng hộp xốp để đựng thức ăn  sau khi phát hiện có chứa chất gây ung thư. Hộp xốp đựng thức ăn nóng, đặc biệt là đựng cơm hộp được sử dụng rộng rãi trên thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế sẽ kiểm tra và yêu cầu các cửa hàng cơm hộp xuất trình hoá đơn mua hộp xốp ở cơ sở nào để đựng thức ăn. Theo quy định, hộp đựng cơm hộp phải được mua ở những cơ sở được cấp phép sản xuất thiết bị đóng gói thực phẩm.

Trần Hằng
.
.
.